Thuốc quý từ cây trái quen

06/01/2018 08:05 GMT+7

Không chỉ bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhiều loại rau quả, trái cây nếu sử dụng đúng cách còn có tác dụng phòng và chữa bệnh.

Theo lương y Lê Văn Cảnh (TP.HCM) nếu biết cách dùng những cây trái quen thuộc sẽ đem lại sức khỏe. Đặc biệt nếu phối hợp chúng như một bài thuốc sẽ làm tăng hiệu quả chữa bệnh.
Ổi ngon lành tính: Với vị ngọt và chát, tính bình, ổi có tác dụng cầm tiêu chảy, tiêu viêm, cầm máu... Vỏ và lá ổi làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, kháng khuẩn. Với chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và vết loét, có thể dùng lá ổi tươi để đắp. Lá, búp ổi non còn được dùng chữa bệnh zona (bệnh giời leo). Quả ổi dùng làm thuốc nhuận tràng.
Đơn thuốc:
- Trị tiêu chảy: Lá ổi vừa non, vừa già, 50 gr đem sắc với 2 chén nước. Sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15 - 30 phút. Để nước âm ấm, uống làm nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ. Có thể thêm đường.
- Bệnh zona: Lá búp ổi non 100 gr rửa sạch, phèn chua 10 gr, muối 1 gr, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Dùng nước thuốc này để bôi. Có thể cho thêm 5 - 6 gr bột sunfamit.
- Viêm dạ dày ruột cấp: Lá ổi 30 gr thái nhỏ, rang với một nhúm gạo, thêm nước đun sôi uống, ngày 2 lần.
Rau má đắng mát: Với vị đắng và ngọt đặc trưng, rau má có tính mát, thường được dùng để thanh nhiệt giải độc, trị cảm mạo phong nhiệt, thủy đậu, sởi, sốt da vàng mặt, viêm họng, sưng amidan, viêm khí quản, ho, viêm đường tiết niệu, tiểu gắt tiểu buốt. Ngoài ra, rau má còn được dùng để trị chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới, giải độc lá ngón và nhân ngôn. Đặc biệt, rau má dùng bên ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, lở ngứa và vết thương chảy máu.
Đơn thuốc:
- Dùng ăn sống hoặc ép lấy nước pha đường uống giúp giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, cầm máu, trị kiết lỵ, táo bón. Ngày dùng 30 - 40 gr tươi.
- Dùng ngoài đắp chữa các vết thương do ngã gãy xương, bong gân và làm tan mụn nhọt.
- Rau má (300 gr), phèn chua (3 gr) giã nhỏ, hòa nước dừa, vắt lấy nước uống trị kinh nguyệt không đều.
- Rau má 30 gr, cỏ nhọ nồi và trắc bá diệp mỗi vị 15 gr sao, sắc nước uống trị chảy máu chân răng, chảy máu cam và các chứng chảy máu.
- Rau má phơi khô làm thành bột uống mỗi sáng 2 thìa cà phê trị thống kinh, đau lưng, đau bụng, ăn kém, uể oải.
- Rau má tươi giã lấy nước cốt uống hoặc sắc uống trị ho, tiểu buốt, tiểu gắt.
- Rau má ăn tươi hay luộc ăn cả cái và nước giúp lợi sữa.
Rau đắng (biển súc) vị đắng, không độc: Tác dụng lợi tiểu, sát trùng, làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng.
Đơn thuốc:
- Ngày dùng 6 - 12 gr (khô) dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi, sao khô rồi sắc uống chữa tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt, tiểu ra sỏi cạn. Dùng bên ngoài bằng cách giã nát rồi đắp, không kể liều.
- Ngày uống 12 gr rau đắng phơi hay sấy khô dưới dạng thuốc sắc trị buốt, tiểu khó.
- Ngoài ra, dùng trong trường hợp cơ thể bị nóng gây lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; lấy lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày ngừa sạn thận và sỏi mật...
Ăn khế nên thuốc: Với vị chua và ngọt, khế có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Quả khế thường được dùng trị ho, đau họng, lách to sinh sốt. Rễ cây khế trị đau khớp, đau đầu mạn tính. Thân và lá trị sổ mũi, viêm dạ dày ruột, giảm niệu, chấn thương bầm dập, mụn nhọt, viêm mủ da. Hoa khế trị sốt rét; chữa chứng thận hư, kém tinh khí, ho khan, ho đờm, kiết lỵ. Vỏ cây chữa ho.
Đơn thuốc:
- Dùng 20 gr lá khế hoặc nhiều hơn, nấu nước uống, lá tươi giã đắp ngoài, hoặc nấu nước tắm giúp chữa mề đay.
- Sổ mũi, đau họng trị bằng cách dùng tươi 90 - 120 gr quả khế ép lấy nước uống.
- Trị cảm nắng: dùng 100 gr lá khế bánh tẻ tươi, 40 gr lá chanh tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân.
- Chữa lở loét, mụn nhọt, nước ăn chân bằng cách nấu nước lá khế kết hợp lá thanh hao, lá long não… làm nước tắm, hoặc nấu nước quả khế rửa chỗ đau hằng ngày, hoặc lấy 1 - 2 quả khế chín, vùi trong tro nóng để vừa ấm rồi áp lên chỗ đau.
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa bằng cách lấy lá khế tươi giã nát bôi vào chỗ da nổi mẩn, kết hợp uống nước sắc vỏ núc nác.
Lương y Lê Văn Cảnh lưu ý khi sử dụng cần biết rõ các loại cây trái này phải sạch, không nhiễm hóa chất, dùng lượng vừa đủ tùy bệnh, và phải đến cơ sở y tế khám nếu bệnh không giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.