Thói quen giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày tết

26/12/2018 09:19 GMT+7

Ngày tết thời tiết thất thường, ngày lạnh vẫn có thể có những ngày nóng ấm. Đây là tính huống khiến thực phẩm dễ ôi hỏng do cất trữ lâu ngày trong điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển gây ô nhiễm thực phẩm.

Chuyên gia về ngộ độc của Cục An toàn thực phẩm lưu ý, không chỉ khiến thực phẩm mau hư, vi khuẩn, vi nấm còn mang lại bệnh tật cho con người nếu ăn phải. Ngày tết vẫn cần duy trì những thói quen tốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đây là một số giải pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ
Ngăn vi khuẩn “nhiễm chéo” thực phẩm. Vi khuẩn dễ dàng lây truyền từ thực phẩm này sang thực phẩm khác trong quá trình chuẩn bị và bày biện thức ăn. Cần chắc chắn rằng những dụng cụ như đĩa, dao, kéo, thớt... được rửa sạch sau khi chế biến thịt sống. Nếu phải mang thực phẩm sống đi ra ngoài, bạn nên gói kỹ lưỡng và cách ly chúng với các loại thức ăn chín.
Trong mỗi bữa ăn, nên nấu lượng vừa đủ để sử dụng hết. Trong trường hợp không ăn hết, thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín. Trước khi sử dụng lại, thức ăn cần được đun sôi, kiểm tra mùi vị. Nếu phát hiện đã ôi thiu hoặc có mùi vị bất thường thì tuyệt đối không sử dụng. Tốt nhất không để thức ăn đã chế biến còn dư thừa qua 2 ngày trong tủ lạnh.
Hầu hết các gia đình đều có tủ lạnh, đây là công cụ hữu hiệu để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên chuyên gia về ngộ độc thực phẩm cũng lưu ý, sử dụng tủ lạnh không đúng cách cũng có thể gây hư hỏng thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Một ngăn tủ lạnh chứa đầy thực phẩm sẽ cản trở không khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, không đều khắp cho các thực phẩm. Bên cạnh đó nếu thực phẩm không được phân loại (thực phẩm sống và thực phẩm chín) hoặc không được sơ chế, không bao gói cẩn thận là nguồn ô nhiễm chéo, gây nhiễm khuẩn thực phẩm vì một số loài vi sinh vật chịu được lạnh vẫn phát triển khi thực phẩm bảo quản ở ngăn mát.
Việc lưu trữ thực phẩm đúng vị trí quy định trong tủ lạnh là cần thiết để thực phẩm có thể tươi ngon và an toàn khi dùng. Có thể tham khảo trên bao bì sản phẩm để bảo quản đúng, vì hiện nay với một số loại thực phẩm bao gói sẵn, nhà sản xuất cũng cung cấp thông tin về nhiệt độ bảo quản, do đó người tiêu dùng có thể cất trữ một cách phù hợp.
Ăn chín, uống chín. Thực phẩm được xem là an toàn khi được nấu ở nhiệt độ và thời gian đủ cao để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây hại. Theo đó, thịt bò phải được nấu ở nhiệt độ tối thiểu 63oC; thịt bò xay, thịt heo, thịt cừu, thịt dê nên nấu ở nhiệt độ 71oC. Đối với thịt gia cầm, nhiệt độ tốt nhất để nấu chín là 74oC.
Không ăn thức ăn tái, sống, đặc biệt là không ăn tiết canh. Đây là thực phẩm rát dễ ô nhiễm các vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt đáng lưu ý, hầu hết các ca bệnh liên cầu lợn ở người đều liên quan đến ăn tiết canh.
Chú trọng môi trường bảo quản. Sau khi mua về, cần lưu ý nên cho ngay các loại thịt dễ hỏng như thịt nguội, thịt gia cầm và các món rau trộn làm sẵn vào tủ lạnh (và nhớ là để riêng, bảo quản riêng biệt thực phẩm sống với thực phẩm chín). Nếu phải vận chyển những thực phẩm này ra ngoài, nên bảo quản ở giữa thùng nước đá hoặc đặt ở nơi mát mẻ chứ không nên để trong cốp xe vốn rất nóng.
Tránh để thực phẩm bên ngoài quá lâu. Nếu bạn mua thực phẩm nấu sẵn ở các cửa hàng và nên sử dụng trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Lưu ý là nếu nhiệt độ ngoài trời nóng, ẩm, thực phẩm để bên ngoài trong khoảng 1 - 2 giờ sẽ không còn an toàn cho sức khỏe.
Bên cạnh việc lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách cần lưu ý tới việc sử dụng nguồn nước sạch, rửa tay đúng cách trước khi chế biến thực phẩm, vệ sinh các dụng cụ dùng khi chế biến và đựng thức ăn, vệ sinh trước khi dùng bữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.