Thêm một bệnh nhân ngừng tuần hoàn được cứu bằng cách 'ngủ đông'

An Dy
An Dy
15/01/2020 20:09 GMT+7

Bệnh nhân T. đột nhiên ngất và được đưa vào BV trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn. Ngay sau các bước cấp cứu tích cực, BV Đà Nẵng đã cứu sống bệnh nhân bằng cách “ngủ đông”.

Ngày 14.1, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (17 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) vừa được các bác sĩ dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt, như một trạng thái “ngủ đông” của cơ thể, để cấp cứu khi bệnh nhân rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. 
Trước đó, bệnh nhân T. đột nhiên ngất và được đưa vào BV trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn. Ngay sau các bước cấp cứu tích cực, BV Đà Nẵng đã thực hiện báo động đỏ liên viện để bệnh nhân được hồi sức tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Với chẩn đoán viêm cơ tim cấp (dù trước đó không có tiền sử bệnh tim) dẫn đến ngừng tuần hoàn, bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt, đồng thời với cấp cứu tổn thương tim. Hạ thân nhiệt là kỹ thuật mới được áp dụng tại BV Đà Nẵng, giúp tránh tổn thương não hết mức có thể khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn vì bất kỳ lý do bệnh lý nào. Đối với trường hợp này, kỹ thuật hạ thân nhiệt giúp tăng thêm cơ hội sống cho bệnh nhân mà không để lại bất cứ di chứng thần kinh đáng tiếc nào do quả tim bị tổn thương gây ra.
“Bằng hệ thống hạ thân nhiệt, nhiệt độ bệnh nhân được kiểm soát ổn định quanh mức 33 độ C trong 24 giờ đầu để bảo vệ tránh tổn thương não. Sau đó, cứ sau mỗi giờ đồng hồ, nhiệt độ cơ thể sẽ được nâng dần lên 0,15 độ C cho đến khi trở về mức bình thường. Sau 6 ngày hồi sức tích cực, hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồi phục sức khỏe”, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Đà Nẵng), cho biết thêm.
Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Đây cũng là lần thứ 2 BV Đà Nẵng áp dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt. Trước đó, một bệnh nhân nam (30 tuổi, ngụ TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cũng bị rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn ngoại viện đã được dùng kỹ thuật này để hồi sức tích cực mà không để lại di chứng nào đối với hệ thần kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.