Thận trọng với thuốc

09/12/2011 10:13 GMT+7

Đối với phụ nữ mang thai thì ngay cả thuốc bổ cũng có thể gây hại cho bào thai nếu không sử dụng đúng cách và đúng liều.

Đối với phụ nữ mang thai thì ngay cả thuốc bổ cũng có thể gây hại cho bào thai nếu không sử dụng đúng cách và đúng liều.

Chị N.T.H bị rối loạn tiêu hóa kéo dài và được bác sĩ (BS) kê khá nhiều loại thuốc. Khi bệnh tình có vẻ thuyên giảm thì chị phát hiện mình mang thai nên hốt hoảng vì thời gian uống thuốc trị bệnh trùng với tháng đầu của thai kỳ, trong khi các loại thuốc này không được dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Lo sợ nguy cơ dị dạng ở thai nhi, chị đành phải đến bệnh viện xin phá thai.

Lỡ uống thuốc

BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết không hiếm thai phụ lỡ uống thuốc chống chỉ định trong 1-2 tháng đầu thai kỳ. Phần lớn vì họ chưa kịp nhận biết mình có thai và lầm tưởng những biểu hiện ốm nghén, mệt mỏi là bệnh. Do không dễ nhận biết phụ nữ có thai trong những tháng đầu thông qua bề ngoài nên nhiều BS cũng không tránh khỏi việc kê toa thuốc có những loại chống chỉ định với thai phụ.

Các loại thuốc này thường thuộc nhóm kháng dị ứng, chống nôn, an thần, giảm đau, tim mạch, trị viêm loét dạ dày… “Nếu thai phụ uống các thuốc có nhân steroid (thường là thuốc kháng viêm) sẽ gây ảnh hưởng đến nội tiết của thai nhi và quá trình chuyển dạ của người mẹ; dùng kháng sinh Tetracylin thì hệ xương, răng của em bé sẽ bị ảnh hưởng” – BS Thông nói.

TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa sản A - Bệnh viện Từ Dũ, cảnh báo ngay cả khi dùng thuốc bổ hay thực phẩm chức năng, thai phụ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ vì dùng quá liều cũng gây hại cho thai nhi. Ví dụ vitamin A cần thiết cho thai kỳ nhưng nên dùng liều thấp hơn 5.000 UI/ngày; nếu sử dụng quá 10.000 UI/ngày thì dễ bị sẩy thai, có thể gây dị dạng ở mặt, đầu, tim và hệ thần kinh thai nhi.

Can thiệp tùy mức độ nguy cơ

BS Thông lưu ý nếu bà bầu lỡ dùng thuốc thì nên  đến các bệnh viện phụ sản lớn để được tư vấn, làm các xét nghiệm, tầm soát trước sinh để cân nhắc xem có cần thiết phải bỏ thai không. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bà mẹ.

Để không lâm vào tình huống đáng buồn này, thai phụ nên tham vấn BS chuyên khoa trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, không dùng lại các đơn thuốc cũ từ trước khi mang thai.

TS-BS Lê Thị Thu Hà cho biết tùy vào tuổi thai và các loại thuốc sử dụng, BS sẽ tư vấn cho thai phụ hướng can thiệp phù hợp. Thông thường, nguy cơ sẽ cao hơn nếu thai phụ dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hiện nay, khá nhiều người bị các bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh về tuyến giáp, tâm thần… Nếu đang trị bệnh mãn tính và dùng những loại thuốc có thể nguy hại cho thai, phụ nữ nên chủ động tránh thai. Trong trường hợp muốn có thai, chị em nên lên kế hoạch cụ thể, thông báo sớm ý định này với BS để đổi các loại thuốc không gây hại cho thai. Trong trường hợp không thể vừa mang thai vừa trị bệnh, BS sẽ tư vấn để bệnh nhân cân nhắc giữa việc có con và việc trị dứt bệnh.

Dị tật khủng khiếp vì Thalidomide

Lịch sử y học từng ghi nhận “bi kịch Thalidomide”. Thalidomide là thuốc an thần phổ biến từng được chỉ định dùng để trị các triệu chứng ốm nghén. Cho đến khi được thu hồi vào năm 1961, Thalidomide đã khiến gần 20.000 trẻ sơ sinh thuộc 46 quốc gia mắc các dị tật khủng khiếp như ngắn chi, không chi, dị dạng ở mắt, tai, bộ phận sinh dục và các cơ quan nội tạng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.