Tẩy giun - Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

09/10/2010 05:05 GMT+7

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cùng với tập quán ăn uống, sinh hoạt chưa được đảm bảo vệ sinh, rất thuận lợi cho sự phát triển của các bệnh về giun, sán. 4 loại giun đường ruột rất phổ biến ở Việt Nam là: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.

Nguyên nhân nhiễm giun

+ Giun đũa và giun tóc: nhiễm do nuốt trứng. Trứng giun từ người bị nhiễm theo phân ra ngoài, có thể hiện trong đất, nước, rau xanh… dễ dàng lây nhiễm vào cơ thể người khác trong gia đình, tập thể, cộng đồng do thói quen sinh hoạt kém vệ sinh (tay dơ bị dính đất mà cầm thức ăn ăn, mút tay, uống nước không nấu chín, ăn rau sống không rửa kỹ, …).

 + Giun kim: nhiễm do nuốt trứng. Giun kim cái thường bò ra rìa hậu môn để đẻ trứng vào ban đêm gây cảm giác ngứa khó chịu, khi trẻ gãi trứng giun kim sẽ bám vào ngón tay, móng tay và nhiễm vào cơ thể khi bé mút tay, ngậm tay, cầm thức ăn, ngậm đồ chơi... Ngoài ra, trứng giun kim nhẹ có thể bay lên không khí, khi ta quét nhà sẽ hít phải trứng qua đường hô hấp.

 

 Chu trình tái nhiễm của giun giữa môi trường xung quanh

+ Giun móc: nhiễm qua da. Ấu trùng giun móc tồn tại trong đất, khi tay chân tiếp xúc trực tiếp với đất như đi chân đất, chơi đùa trên đất, làm ruộng, rẫy, nhổ cỏ … mà không mang găng đi ủng, ấu trùng sẽ chui qua da và nhiễm vào cơ thể người.

Giun nguy hại hơn ta tưởng

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, các loại giun nói trên sẽ trưởng thành ở trong ruột, sống bằng cách chiếm đoạt các chất dinh dưỡng của bệnh nhân như giun đũa, giun kim hoặc hút máu bệnh nhân như giun móc, giun tóc dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu. Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất mà giun gây ra cho sức khoẻ con người phải kể đến là những biến chứng cấp do giun gây ra. Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, xoắn ruột, giun chui ống mật, viêm tắc đường mật, tụy và nặng hơn là sỏi mật. Giun kim, giun tóc có thể gây viêm ruột thừa, viêm đường tiểu, viêm âm đạo, viêm buồng trứng, viêm tiền liệt tuyến. Nhiễm giun móc dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và nặng hơn là suy tim, đặc biệt khi giun móc có thể sống đến 4-5 năm trong cơ thể người (loài Ancylostoma duodenale) hoặc thậm chí đến 10-15 năm (loài Necator americanus).

 
 Chương trình "Cả nhà tẩy giun - bé thông minh, khỏe mạnh" tại trường TH Phú Thọ

Chung tay phòng tránh và diệt giun

Mầm bệnh có mặt khắp nơi nên khi một thành viên trong gia đình hoặc tập thể bị nhiễm giun thì các thành viên còn lại rất dễ bị nhiễm. Như vậy, ngoài ý thức tự bảo vệ của cá nhân, còn cần có phối hợp tẩy giun trong tập thể và cộng đồng.

Gia đình là bàn tay đầu tiên và mạnh mẽ nhất để diệt giun cho các thành viên trong nhà. Bên cạnh đó, chính nhà trường là đơn vị có vai trò quan trọng không kém trong việc giáo dục trực tiếp cho học sinh và nhắc nhở các gia đình về công tác bảo vệ sức khỏe học đường và sức khỏe cộng đồng này. Khi gia đình và nhà trường cùng bắt tay sẽ góp phần đáng kể giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm giun sán của người dân Việt Nam.

Hiểu được tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng chống nhiễm giun, Chuyên đề Mẹ & Con - báo Giáo Dục & Đào Tạo TP. HCM kết hợp với Ban Giám Hiệu các trường tổ chức Hội thảo “Cả nhà tẩy giun - bé thông minh, khỏe mạnh” năm 2010 dưới sự tài trợ của hãng dược phẩm Janssen Cilag. Trong buổi hội thảo này, bác sĩ Lê Văn Nhân - Phó Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Dự Phòng TP.HCM trò chuyện và trao đổi về các tác hại của nhiễm giun đối với sức khỏe cũng như cách phòng ngừa và tẩy giun hiệu quả cho bé và gia đình. Đối tượng tham dự là học sinh tại các trường Tiểu học, THCS và quý phụ huynh của một số trường mầm non tại TP.HCM. Chương trình Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quý phụ huynh, học sinh và quý Thầy cô của các trường, bởi lẽ đây là một hoạt động bổ ích, có ý nghĩa và đóng góp vào công tác giáo dục sức khỏe học đường cũng như giáo dục sức khỏe cho cộng đồng chúng ta.

Tài liệu tham khảo download tại đây.  

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.