Tăng cường 700 kg CloraminB chống dịch tay chân miệng cho Đà Nẵng

An Dy
An Dy
18/10/2018 21:00 GMT+7

Ngày 18.10, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết sẽ tăng cường cho ngành y tế Đà Nẵng 700 kg CloraminB để chống dịch tay chân miệng.

Tại buổi làm việc với ngành y tế Đà Nẵng về công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM), ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bệnh ở cơ sở là các điểm trường mầm non, cộng đồng dân cư, bệnh viện… và đánh giá cao công tác chủ động phòng chống dịch TCM ở địa phương này.


Ông Nam cho biết sẽ tăng cường tại Đà Nẵng thêm 700 kg Cloramin B (thuốc sát khuẩn, khử trùng) để chống dịch, dù thời điểm hiện tại bệnh TCM ở Đà Nẵng vẫn ở mức kiểm soát. Ông lý giải, Đà Nẵng cần có sự ưu tiên chủ động chống dịch, bởi đây là thành phố lớn của khu vực miền Trung, là điểm đến của sự kiện, của du lịch.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tiến Thanh, Trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Pasteur (Nha Trang) cũng cung cấp số liệu về bệnh TCM ở khu vực miền Trung (từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận), cho biết vẫn đang ở mức kiểm soát.

Cụ thể, đến thời điểm này so với năm 2017 chỉ tăng khoảng 1.000 ca và số ca mắc mới trong 3 tuần trở lại có dấu hiệu giảm qua từng tuần.

“Riêng với chủng vi rút EV71 thì cả khu vực miền Trung có 70 trường hợp mắc. Ở Huế có 9 ca, Quảng Trị 4 ca, Quảng Ngãi 16, Bình Định 8, Ninh Thuận 44, Khánh Hòa 17 và Đà Nẵng chưa có ca EV71 nào”, ông Thanh cho biết.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, tổng số ca mắc TCM năm 2018 tại Đà Nẵng là 1.376 ca, tăng khoảng 200 ca so với cùng kỳ 2017 và không có ổ dịch tập trung. Hằng tuần, Trung tâm đều lấy mẫu gửi Viện Pasteur với kết quả tính đến thời điểm hiện tại là 99 ca TCM/300 mẫu xét nghiệm.  

Trao đổi về tình hình dịch bệnh TCM tại Đà Nẵng, thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, vì TCM là bệnh có diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, để phòng chống bệnh TCM hiệu quả, phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước và sau khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bệnh TCM phát tán qua phân của trẻ, vì vậy không nên dùng tay mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay. Khu vực nhà ở, nơi sinh hoạt, trường học phải thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh, nhất là đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu mắc TCM cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.