Tâm sự của những bác sĩ trực tiếp chống dịch Covid-19

28/02/2020 04:49 GMT+7

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới , tại Việt Nam, hàng ngàn y bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm căng sức chống dịch. Họ có những tâm sự gì khi trực tiếp đối đầu với dịch bệnh này.

Làm dự phòng, không phải hết bệnh nhân là xong việc

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chia sẻ: “Trở về nhà sau một ngày miệt mài với... Covid-19. Có người nói: Hiện Việt Nam hết bệnh nhân rồi, thì làm gì mà mệt. Nhưng không, với người làm dự phòng như chúng tôi thì không phải hết bệnh nhân rồi là thôi, mà chúng tôi phải suy nghĩ, phải làm mọi thứ để sao cho không có thêm bệnh nhân nữa, mà nếu chẳng may có bệnh nhân nữa thì đừng để lây thêm...
Chỉ cần có 1 bệnh nhân nghi ngờ bị Covid-19 là cả hệ thống đã chạy bất kể đêm ngày, lễ tết. Thậm chí hàng ngàn người trên cả đất nước này đang ngày đêm giám sát những người đến từ vùng dịch, để vừa hỗ trợ y tế cho những người này vừa kiểm soát phòng lây bệnh cho cộng đồng”.
Bác sĩ Nga cho biết thêm: Kế hoạch phòng chống dịch của quốc gia, của từng tỉnh, thành đều có. Kế hoạch không chỉ đề cập đến việc khám và điều trị mà còn có giải pháp cho dự phòng, an sinh xã hội trong từng tình huống dịch bệnh. Tất cả để đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn ổn định cuộc sống nhân dân. Trong đó mỗi ban ngành, mỗi tổ chức, mỗi người dân đều có trách nhiệm.
“Tất cả những nỗ lực giải pháp của ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh chỉ thành công khi có sự tự giác của mỗi cá nhân, sự đồng hành của cả cộng đồng. Mọi người quan tâm đến dịch bệnh này hãy nhớ rửa sạch bàn tay của chính mình, hãy dạy con mình biết cách rửa tay, hãy "che miệng khi ho" đúng cách. Điều đó tốt hơn cho chính bạn và cả cộng đồng”, bác sĩ Nga nhắn nhủ.

Bước qua nỗi sợ bệnh dịch

Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), tâm sự: “Nhớ lại trận dịch cúm gia cầm (H5N1) năm 2004-2005. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời hành nghề y của tôi biết được một bệnh dịch chết người kinh hoàng.
Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng là những con người bình thường. Ai cũng sợ! Nhưng công việc thì phải làm thôi. Khi đó, thầy Trần Tịnh Hiền là Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kiêm Trưởng khoa Nhiễm D của bệnh viện, đã tổ chức Khoa Nhiễm D thành một khoa cách ly điều trị bệnh nhân H5N1. Khi đó, mọi điều kiện không được tốt như bây giờ đâu. Thầy Hiền vào khám trực tiếp cho bệnh nhân. Vậy thì đâu có hà cớ gì mà học trò - các bác sĩ như chúng tôi, không vào phòng bệnh làm việc.
Trong dịch bệnh, các Khoa hồi sức cấp cứu trong bệnh viện đều phối hợp nhịp nhàng với Khoa Nhiễm D”.

Bác sĩ trang bị đồ bảo hộ để vào khám cho bệnh nhân Covid-19

Nguyên Mi

“Cứ như vậy, chúng tôi bước qua nỗi sợ bệnh dịch để tiếp cận gần với bệnh nhân, dần dần hiểu nhiều hơn về bệnh để rồi không còn sợ. Việc điều trị càng ngày càng hiệu quả. Sau đó, chúng tôi trải qua dịch cúm A/H1N1 (năm 2009). Tất cả đã đi qua nhẹ nhàng. Trong đợt dịch lần này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vẫn giữ vững cung cách ấy. Không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi ngày làm việc đều học và hiểu hơn về Covid-19. Tin rằng chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh khi hệ thống y tế phối hợp tốt cùng nhau”, bác sĩ Vân Anh khẳng định.

Sự đoàn kết giúp nhân viên y tế vững tin

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bộc bạch: “Đối với dịch bệnh Covid-19 này thì mọi người đều lo sợ và nhân viên y tế cũng đã rất căng thẳng trong vấn đề đối đầu với dịch. Bởi lẽ, bệnh hoàn toàn mới.
Về chống dịch thì chúng ta đã từng gặp, trải qua nhiều đợt dịch bệnh, đã có hệ thống y tế dự phòng chặt chẽ từ bắc chí nam. Tuy nhiên, đối với những trường hợp mới, các bác sĩ trẻ, những người chưa từng trải qua dịch bệnh thì ai cũng có nhiều lo lắng.
Khi có thông tin bệnh viện sẽ là nơi tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế đều cảm thấy lo lắng. Có những băn khoăn như: không biết tiếp xúc với bệnh nhân thì nguy cơ mắc của mình như thế nào, nguy cơ lây nhiễm ra sao, bản thân nhân viên y tế sẽ tự bảo vệ mình như thế nào? Nếu có bệnh nhân nhập viện và xét nghiệm dương tính (nhiễm bệnh) thì mình có được về nhà hay không, có phải ở lại bệnh viện suốt 14 ngày để theo dõi hay không?...
Thế nhưng, rồi tất cả đều được tập huấn, cập nhật quy trình theo dõi, điều trị, phòng bệnh. Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận cách ly, theo dõi những ca có triệu chứng nghi nhiễm”.
“Những lúc như vậy mới thấy rằng sự đoàn kết, gắn bó của nhân viên y tế hỗ trợ nhau rất tích cực, phối hợp chặt chẽ hơn. Khi mà có tinh thần ấy thì mọi người sẽ thấy rằng công việc của mình rất có ý nghĩa và càng làm nhân viên y tế vững tin, làm tốt công việc, không có gì phải lo lắng”, bác sĩ Nam tâm sự.

"Chạy vào" chỗ dịch

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), là một trong những bác sĩ trực điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19 người Trung Quốc, cho biết: “Khi biết mình được phân công trực, điều trị cho bệnh nhân Corona, mọi người trong gia đình cũng lo lắng, nhất là, mình có con nhỏ mới 5 tuổi. Tuy nhiên, đây là nghề nghiệp của mình, công việc của một bác sĩ. Là bác sĩ nên mình hiểu rõ các biện pháp phòng bệnh, khử khuẩn, để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.”
“Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.