Tại sao có người cao, có người thấp?

01/06/2021 09:14 GMT+7

Vóc dáng mỗi người thường không quá giống nhau, với một số người trưởng thành với chiều cao khiêm tốn, trong khi những người khác lại cao quá khổ như các vận động viên bóng rổ .

Trong lúc đi tìm lời giải, các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân chủ yếu là do gien di truyền. Trên thực tế, những cuộc nghiên cứu có thể dự đoán chiều cao lúc trưởng thành của một người vào thời điểm chào đời cho thấy gien di truyền là chỉ số ảnh hưởng đáng kể.
Nói cách khác, cha mẹ cao thường sinh ra con không thấp. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong trường hợp đối tượng không đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng trong những năm đầu đời.

Nguy cơ ảnh hưởng đến chiều cao

Theo nhiều báo cáo, tình trạng thiếu dinh dưỡng và bệnh nặng xảy ra vào thời thơ ấu có thể ngăn chặn một người đạt đến chiều cao tiềm năng vào thời điểm trưởng thành. Thậm chí, những khó khăn như thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chiều cao trung bình của cả một quốc gia.
Theo một báo cáo đăng trên chuyên san eLife năm 2016, do các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng đế London (Anh) thực hiện, những người đàn ông cao nhất thế giới đến từ Hà Lan và cao nhất ở nữ giới là các cô gái Latvia.
Thế nhưng, không phải lúc nào bảng danh sách về chiều cao công dân các nước trên thế giới đều giữ nguyên vị trí, theo báo cáo của NCD-RisC. Đây là mạng lưới các nhà khoa học trên thế giới chuyên cung cấp dữ liệu về các yếu tố nguy cơ liên quan đến những căn bệnh không lây nhiễm.
Năm 1985, Hàn Quốc đứng thứ 133 trên danh sách, nhưng đến năm 2019, xứ sở nhân sâm nhảy vọt lên hạng 60. Theo giả thuyết chung được nhiều nhà khoa học nhất trí, có lẽ sự thay đổi này đến từ chiến lược cải thiện dinh dưỡng ở tầm quốc gia của Hàn Quốc trong những thập niên gần đây.
“Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, việc tăng chiều cao diễn ra ở một hoặc hai thế hệ gần đây phần lớn là do cải thiện chế độ dinh dưỡng”, Giáo sư Stephen Hsu của Đại học bang Michigan (Mỹ) cho biết. “Protein, canxi cũng như tổng số lượng calorie hấp thu trong giai đoạn này đều tăng mạnh”, ông trình bày trong một báo cáo dự đoán về chiều cao ở người.
Trong khi đó, có những quốc gia rớt hạng trong danh sách của NCD-RisC. Ví dụ, Mỹ xếp thứ 38 trong năm 1985, nhưng đến năm 2019 tụt xuống hạng 58. Chuyên gia Hsu cho hay bên cạnh yếu tố về di dân, một số người đổ lỗi cho chất lượng của chế độ dinh dưỡng ở Mỹ không được bảo đảm vì người dân ưa chuộng thức ăn nhanh, nước ngọt… Tuy nhiên, ông cho rằng đó chỉ là một yếu tố, và nhiều khả năng dân Mỹ không hẳn đang lùn đi, mà đơn giản chỉ không cao nhanh bằng người dân những nước khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.