Tác hại lâu dài của việc nghe âm thanh quá lớn

Ngọc Minh Khuê
Ngọc Minh Khuê
04/07/2021 08:09 GMT+7

Nghe nhạc quá lớn trong thời gian dài ảnh hưởng đến một số vùng nhất định của não, tác động xấu đến thính lực, theo thời gian có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ .

Tai nghe đã trở thành một thiết bị phổ biến trong cuộc sống ngày nay, đặc biệt là trong giai đoạn học tập và làm việc từ xa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc sử dụng tai nghe mang lại sự thuận tiện và chất lượng âm thanh tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên dùng ở mức âm lượng vừa phải hoặc giảm thời lượng sử dụng.
Một phân tích của Hiệp hội Âm học Mỹ đăng tải ngày 11.6 trên trang tin y tế EurekAlert! cảnh báo rằng những người tiếp xúc lâu với mức độ tiếng ồn từ 70 decibel (dB) trở lên (tương đương âm lượng bình thường của một chiếc ti vi hoặc tiếng động cơ máy hút bụi) có nguy cơ gặp các vấn đề về thính giác.
Độ ồn này dễ dàng bị vượt qua khi sử dụng tai nghe ở mức âm lượng hơn 50%. Với mức âm lượng đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng khoảng một nửa số trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi từ 12 - 35 đang có nguy cơ bị mất thính lực.
Một nghiên cứu khác năm 2011 được công bố trên chuyên san JAMA Neurology kiểm tra 639 người trong suốt 12 năm đã chỉ ra rằng khả năng nghe bị suy giảm khiến con người có nguy cơ cao mắc chứng sa sút trí tuệ khi lớn tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị mất thính lực nhẹ có nguy cơ suy giảm nhận thức cao gấp đôi so với những người có thính giác bình thường. Tỷ lệ này ở những người mất thính lực vừa phải là 3 lần và gấp 5 lần ở người được chẩn đoán mất thính giác nghiêm trọng.
Các nhà khoa học tin rằng mối quan hệ giữa chứng mất trí nhớ và mất thính giác là kết quả trực tiếp của việc thiếu kích thích, thiếu sự tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, do phụ thuộc nhiều vào tai nghe, theo Best Life ngày 17.6.
Nghiên cứu cho thấy não bắt đầu gặp khó khăn khi ngừng tiếp nhận một lượng lớn thông tin từ tai vào đầu như thói quen trước đó. Các trung tâm thính giác chính của não từ đó bị suy yếu. Bác sĩ Ana Kim, Giám đốc nghiên cứu tai mũi họng tại Đại học Columbia (Mỹ), chia sẻ với Healthline vào năm 2018 rằng những người khiếm thính hoặc suy giảm thính lực nặng có xu hướng tự cô lập với xã hội khi việc giao tiếp trở nên khó khăn, và điều này làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức của họ.
Tuổi tác không phải là một yếu tố sinh học ảnh hưởng quá nhiều đến chứng mất thính lực, mà thay vào đó là các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, theo các chuyên gia, hầu hết các trường hợp mất thính lực đều có thể tránh được.
Bác sĩ Daniel Fink, chuyên gia tư vấn chương trình Lắng nghe an toàn của WHO, nhận định với Healthline: “Cộng đồng chuyên gia y tế và thính học cũng như công chúng cần hiểu rằng mất thính lực nặng không phải là hệ quả của quá trình lão hóa bình thường, mà phần lớn là do tiếng ồn”.
Bác sĩ Daniel Fink cảnh báo sự phát triển của công nghệ đang khiến thế hệ trẻ có nguy cơ suy giảm chức năng thính giác ở mức đáng báo động, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi thường xuyên sử dụng hệ thống âm thanh để giải trí. Khi bước vào tuổi trung niên, có thể vào khoảng đầu đến giữa 40 tuổi, họ sẽ bị chứng khó nghe như ông bà của mình ở tuổi 70.
Bên cạnh việc không chỉnh âm lượng quá lớn khi sử dụng tai nghe, các nhà khoa học lưu ý tai cũng cần được nghỉ giải lao giữa các lần sử dụng tai nghe kéo dài, theo Harvard Health. Các thiết bị như đồng hồ thông minh hiện cung cấp khả năng theo dõi thời gian sử dụng âm thanh ở âm lượng lớn và cảnh báo người dùng khi vượt qua giới hạn an toàn. Ứng dụng đo decibel cũng có sẵn cho điện thoại thông minh có thể giúp dễ dàng xác định môi trường nào đang có âm thanh ở mức nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.