Suýt chết vì... tới tháng

12/03/2018 04:57 GMT+7

Lý do khiến Lucie tự gây thương tích cho bản thân, liên tục nghĩ đến chuyện tự tử, làm những điều nguy hiểm là vì chứng rối loạn bất an tiền kinh nguyệt (PMDD) - xảy ra trước mỗi khi cô "tới tháng".

Không biết bản thân là ai
PMDD tồi tệ đến độ nó khiến Lucie - một phụ nữ sống ở Devon (Anh) nhiều lần đứng ở làn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, không thể kiểm soát bản thân, bất an, lo sợ, hoảng loạn, không nhận ra được những người thân, thậm chí bị bao trùm bởi cảm giác mình không thuộc về mình. Sự mất kết nối với chính bản thân mình là một trong những điều tồi tệ nhất mà Lucie phải chịu đựng, chẳng hạn nhiều khi cô không thể nhận ra chính giọng nói của mình, không thể nhận ra rằng mình là người đang nói.
Tình trạng kinh khủng kể trên xảy ra theo chu kỳ từng tháng, hệt như chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ vậy, biến cuộc sống của Lucie trở thành những cơn ác mộng liên miên. Chu kỳ xảy ra trong quãng thời gian trước khi hành kinh. Còn ngay khi thấy "đèn đỏ", cảm giác hoảng loạn, mất kết nối với bản thân cùng tất cả những điều kinh khủng khác biến mất, Lucie trở thành chủ nhân tạm thời của cuộc đời mình, sống vui vẻ, có thể kiểm soát bản thân như những người bình thường. Tình trạng thay đổi tâm trạng, tính tình của Lucie cứ xảy ra liên tục từ tháng này tới tháng nọ, năm này qua năm khác, quen thuộc với cô đến độ cô cẩn thận lên kế hoạch để ngày cưới của cô diễn ra vào "ngày dễ chịu" - tức là lúc cô tới tháng.
Nhưng không ai, ngay cả bản thân Lucie và hàng loạt bác sĩ mà cô đã đến khám cho rằng tình trạng của cô có gì liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Lucie phải liên tục uống từ hết vốc thuốc tâm thần này đến vốc khác vì hàng loạt chẩn đoán mà các bác sĩ đưa ra: rối loạn lo lắng, rối loạn trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lưỡng cực...
Vui vẻ nhờ mang thai ở tuổi... 16
Có thai ở tuổi 16 lại giúp cho tâm trạng của Lucie thay đổi theo chiều hướng tích cực Ảnh minh họa: Shutterstock

Thật ra Lucie từng là một cô bé bình tĩnh, vui vẻ và độc lập. Từ năm lên 13, khi đến tuổi dậy thì, Lucie bắt đầu lo lắng, trầm cảm, hoảng loạn liên tục. Rồi cô bé bắt đầu tự gây thương tích cho bản thân. Cô không còn có thể theo học ở trường bình thường nữa mà phải chuyển hẳn vào sống ở khoa chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho trẻ vị thành niên của một bệnh viện.
Ở tuổi 16, Lucie có thai. Thông thường, đây là một sang chấn tâm lý rất lớn có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề nghiêm trọng ở sức khỏe tâm thần của một đứa trẻ vị thành niên mới 16 tuổi. Nhưng với Lucie thì đó là giai đoạn tuyệt vời nhất kể từ khi cô dậy thì. Hãng truyền thông BBC dẫn lời cô: "Chỉ sau vài tháng từ lúc có thai, tôi được xuất viện. Tất cả các triệu chứng của tôi đều biến mất. Tôi rất vui vẻ. Tôi thấy rất ổn. Sức khỏe tâm thần của tôi thực sự tốt. Đó quả là một bất ngờ". Giai đoạn tuyệt vời kéo dài suốt thời gian cô có thai và cho con bú mẹ - quãng thời gian cô mất kinh nhưng ngay sau khi kinh kỳ quay lại bình thường, Lucie lại rớt xuống địa ngục trần gian, tiếp tục vật lộn với tình trạng sức khỏe tâm thần sa sút theo chu kỳ hàng tháng mà không một loại thuốc an thần nào giúp được cô.
Mọi chuyện lặp lại lần nữa vào tuổi 23, khi Lucie có thai đứa con thứ 2: vừa mất kinh do có thai là cô vui vẻ, bình tĩnh nhưng khi "đèn đỏ" vừa xuất hiện thì giai đoạn tồi tệ bắt đầu. Dẫu thế, chỉ khi chồng cô, anh Martin buộc miệng thốt lên rằng giai đoạn trước chu kỳ kinh nguyệt của Lucie thì tốt nhất anh nên im miệng để tránh xảy ra chuyện, Lucie mới nhận ra rằng có một sự liên quan nào đó giữa tình trạng thay đổi tâm trạng nghiêm trọng của cô với chu kỳ kinh nguyệt.
Dẫu thế, cũng phải sau một thời gian rất dài, 2 vợ chồng mới tìm được vị bác sĩ thực sự lắng nghe và xem trọng những gì họ nói để rồi cuối cùng đưa ra chẩn đoán cho Lucie: rối loạn bất an tiền kinh nguyệt (PMDD) - một dạng rất nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Chính PMDD là thủ phạm của tất cả những thay đổi nghiêm trọng ở Lucie mỗi tháng trong khoảng 2 tuần trước kinh kỳ.
Cắt bỏ tử cung để loại bỏ kinh nguyệt
Lucie không ngờ chu kỳ kinh nguyệt lại ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình đến như vậy Shutterstock

Rối loạn bất an tiền kinh nguyệt (PMDD) là gì?
PMDD là dạng nặng của Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Các chứng này xảy ra ở từ 5-10% phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt. Tình trạng dao động lên xuống bất thường hormone làm trầm trọng thêm các chứng này.
PMS/ PMDD thường gây ra các rắc rối về mặt thể chất nhưng các vấn đề ở sức khỏe tâm thần mới khó đương đầu nhất, chẳng hạn trầm cảm, dễ kích động, hung hăng...
PMS/PMDD có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi có kinh nguyệt nhưng thường bắt đầu ở giai đoạn dậy thì hoặc trên 35 tuổi.
Cắt bỏ tử cung là giải pháp cuối cùng trong điều trị PMS/PMDD, phải được cân nhắc rất kỹ càng. Nhưng đó là giải pháp hữu hiệu để điều trị chứng này. Một khi cắt bỏ tử cung, bệnh nhân phải điều trị bằng liệu pháp thay thế hoormone để không chịu các triệu chứng của mãn kinh.
Các bác sĩ đã quyết định tiêm thuốc định kỳ để ngăn cản quá trình cơ thể sản sinh oestrogen, khiến cho Lucie bước vào giai đoạn mãn kinh tạm thời. Không mất nhiều thời gian, Lucie quay lại giai đoạn vui vẻ, hạnh phúc, bình tĩnh như lúc cô chưa dậy thì.
Nhưng rồi quá trình này làm nảy sinh nhiều phản ứng phụ, bao gồm giảm sút mật độ xương - có thể dẫn đến loãng xương như ở phụ nữ mãn kinh. Cũng tới lúc, liệu pháp kể trên không mang lại kết quả nữa, khiến cho Lucie phải cân nhắc tới một biện pháp cuối cùng: cắt bỏ tử cung, đồng nghĩa loại bỏ hẳn kinh nguyệt.
Đây hẳn là một quyết định khó khăn, bởi nó không chỉ đồng nghĩa sẽ không thể mang thai nữa (Lucie muốn có con thứ 3) mà còn khiến cô trở thành mãn kinh vĩnh viễn, không thể thay đổi. Tuy nhiên, khi cùng chồng ngồi xuống và ghi ra những triệu chứng do PMDD gây ra cho cuộc đời Lucie, cả 2 thấy danh sách dài tới 42 triệu chứng cả thảy! Lucie biết rằng mình không thể sống nổi tử tế với PMDD nên quyết định cắt bỏ tử cung vào năm 2016. Lúc đó cô mới 28 tuổi.
Tới giờ phút này, không chỉ với Lucie mà với cả gia đình cô, đó là một quyết định tuyệt vời. Nếu như trước đây, Lucie không thể học hành, không thể đi làm thì sau khi loại bỏ chu kỳ kinh nguyệt, cô đã có thể hoàn thành 2 điều đó, trở thành một trợ giảng làm việc ổn định. Chồng cô - một nhạc sĩ - cũng có thể làm việc nhiều hơn vì cô có thể chăm sóc được 2 con. 2 con cô cũng cảm nhận được sự thay đổi tuyệt vời khi mẹ chúng trở thành một người bình tĩnh, tự chủ và vui vẻ. Thực sự thì cả nhà đều sống hạnh phúc hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.