Suýt chết do quên uống thuốc kháng đông máu

Đình Tuyển
Đình Tuyển
11/02/2019 20:06 GMT+7

Một người bệnh thay van tim cơ học cách đây 2 năm đã phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, mạng sống bị đe dọa do quên uống thuốc kháng đông máu .

Ngày 11.2, BSCK 2 Trần Diệu Hiền, Quyền trưởng khoa Nội tim mạch - Khớp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân suy tim cấp do tắc nghẽn van tim hai lá cơ học (van tim nhân tạo), một ca cấp cứu nội khoa rất nặng. Trường hợp này không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân là bà N.T.K.H (45 tuổi, ngụ TT Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng đau ngực vật vã, đau hạ sườn phải, khó thở cấp, huyết áp tuột, nhịp tim 150 lần/phút.
Theo tiền sử bệnh, cách đây 2 năm bà H. đã được phẫu thuật thay van tim cơ học do hẹp van hai lá. Suốt thời gian qua, bệnh nhân được điều trị uống thuốc nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ, trong đó, đặc biệt là thuốc kháng đông máu.
Tuy nhiên, những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, do bận việc gia đình, bà H. đã quên uống thuốc vài ngày. Tới ngày 7.2 (mồng 3 tết) thì bà phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng.
Qua khám lâm sàng, siêu âm tim qua thành ngực, soi màn hình huỳnh quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tim, tắc nghẽn van tim cơ học do huyết khối. Nguyên nhân là do bệnh nhân tự ý ngưng sử dụng thuốc kháng đông máu làm cho chỉ số kháng đông máu hạ thấp, gây huyết khối dẫn tới tắc van cơ học.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định hồi sức nội khoa và tiến hành truyền thuốc đặc trị tiêu sợi huyết để giải quyết tắc van tim cho bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên thuốc đặc trị này được sử dụng trong điều trị bệnh nhân tắc van cơ học tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
“Chỉ định xong xuôi rồi nhưng khó khăn là loại thuốc trên rất đắt tiền, tốn khoảng 25 triệu đồng, trong khi bệnh nhân lại quá nghèo, không có tiền. Chúng tôi báo lên Ban giám đốc và được lệnh cứ dùng thuốc cứu người bệnh trước, chi phí tính sau. May mắn là đến giờ này, Phòng công tác xã hội, anh em bác sĩ đã cùng vận động các mạnh thường quân ủng hộ đủ tiền điều trị cho bệnh nhân”, BS Hiền cho biết.
Sau truyền thuốc 6 tiếng, bệnh nhân đã giảm khó thở, bớt vật vã, nhịp tim chậm lại và hiện giờ đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Theo BS Hiền, khi sử dụng loại thuốc đặc trị tiêu sợi huyết việc chẩn đoán đòi hỏi phải thật chính xác, phải đúng là biến chứng tắc van cơ học do huyết khối. Vì nếu chẩn đoán không đúng mà truyền thuốc trên có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như xuất huyết, xuất huyết não...
“Chúng tôi khuyến cáo, các bệnh nhân đã được thay van tim cơ học thì phải tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng đông máu. Ngưng thuốc kháng đông máu đồng nghĩa với nguy cơ tắc nghẽn van cơ học, tử vong rất cao”, BS Hiền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.