Sự thật về hiện tượng 'nuốt lưỡi', có thể xảy ra với những ai?

06/05/2019 16:59 GMT+7

“Nuốt lưỡi” chỉ là cách nói của nhiều người, chứ không đúng về y khoa. Không bao giờ có thể xảy ra việc “nuốt lưỡi” được. Tình trạng của cầu thủ vừa gặp phải là hôn mê có biểu hiện tụt lưỡi, gây tắc nghẽn đường thở.

Trong trận đấu bóng đá ở giải V-League giữa đội B.Bình Dương và Hà Nội mới đây, sau pha va chạm mạnh vào đầu, cầu thủ Bình Dương đã nằm bất tỉnh trên sân. Đặc biệt, cầu thủ có dấu hiệu “nuốt lưỡi” phải cấp cứu. Sự việc khiến nhiều người hốt hoảng không biết hiện tượng này nguy hiểm như thế nào và có nguy cơ xảy ra khi nào.
Theo bác sĩ Lý Xuân Quang, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: “Nuốt lưỡi” chỉ là cách nói của nhiều người, chứ không đúng về y khoa. Không bao giờ có thể xảy ra việc “nuốt lưỡi” được. Tình trạng như trường hợp cầu thủ gặp phải là hôn mê có biểu hiện tụt lưỡi, gây tắc nghẽn đường thở.
Bác sĩ Quang giải thích: Lưỡi là một tổ chức cơ và được “treo” cố định ở một số vị trí. Thông thường, lưỡi không thể bị tụt vào trong.
Đối với người bình thường, lưỡi có khuynh hướng “rơi” về phía sau khi nằm ngửa; nếu ngủ thì lưỡi ở trạng thái rơi về phía sau nhiều hơn.
“Nhưng đây cũng chỉ là những vị trí thông thường của lưỡi và hoàn toàn không nguy hiểm”, bác sĩ Quang khẳng định.
Theo bác sĩ Quang: Chỉ nguy hiểm khi lưỡi tụt sâu vào phía trong, do cơ lưỡi giãn nhiều, gây hẹp, tắc nghẽn đường thở, khó thở. Tình trạng này chỉ có nguy cơ xảy ra với những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ; hôn mê, ngủ sâu do dùng thuốc ngủ, gây mê; người bị động kinh; hoặc trường hợp va chạm mạnh, chấn thương vùng đầu, bất tỉnh, ảnh hưởng đến não.
Ở bệnh viện, tụt lưỡi thường hay gặp ở các trường hợp hôn mê sâu, sau phẫu thuật gây mê, bệnh nhân phải được xử trí phòng tụt lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng.
Người bị tụt lưỡi sẽ có biểu hiện hôn mê mất ý thức; thiếu ô xy, tím tái; khó thở, thở khò khè ở vùng họng giống như người ngủ ngáy lớn.
Trong trường hợp bệnh nhân bị tụt lưỡi sâu vào trong mà không được phát hiện, cấp cứu kịp thời có thể gây tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp, có thể tử vong.
“Tuy nhiên, chỉ trường hợp bệnh nhân bị chấn thương não nặng, hôn mê sâu hoặc bị các bệnh nội khoa ức chế hoạt động của não mới rơi vào khả năng bị tụt lưỡi sâu. Còn trường hợp não vẫn hoạt động thì sẽ tự kích thích các cơ ở lưỡi trở lại bình thường”, bác sĩ Quang cho biết.
“Ở ngoài, trong trường hợp tụt lưỡi, việc quan trọng nhất là phải cấp cứu giúp cho bệnh nhân có thể thở được dễ dàng, bằng cách cho nằm nghiêng. Để lưỡi không tụt vào sâu, có thể dùng các ngón tay để ở góc xương hàm dưới nâng cằm, góc hàm của bệnh nhân lên trên, ra phía trước”, bác sĩ Quang hướng dẫn.
Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo, không được nhét vật gì vào miệng bệnh nhân, có thể khiến trôi tuột, bệnh nhân mắc nghẹn, càng làm tình trạng thêm nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.