Sốt xuất huyết 'hoành hành'

23/02/2019 04:57 GMT+7

Mặc dù đang là mùa khô, nắng nóng, nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn “hoành hành” ở một số nơi.

Từ đầu năm 2019 đến nay, TP.HCM có 6.733 ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện, tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018 (1.931 ca).
Điều đáng nói, đã có 2 ca tử vong do SXH, gồm 1 nữ sinh lớp 9 (14 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) và 1 nam thanh niên 18 tuổi (ngụ H.Củ Chi). Cả 2 ca này không có bệnh nền kèm theo, nhưng tử vong vì nhập viện quá muộn.
Cùng kỳ năm 2018, tại TP.HCM không có ca nào tử vong do SXH. Hiện, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 mỗi ngày có 60 - 70 trẻ mắc SXH điều trị nội trú (với 10% trẻ bệnh nặng). So với cùng kỳ 2018, tại BV Nhi đồng 1 số ca đến khám SXH tăng 4 lần, nhập viện tăng hơn 2 lần và số ca nặng, sốc tăng 3 lần.
Tại BV Nhi đồng 2 hiện có 31 ca đang điều trị nội trú, trong đó có 4 ca nặng; 23 ca điều trị ngoại trú. Còn tại BV Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 188 ca mắc SXH, 3/4 số này là người lớn và 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh ngoài TP.
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh này có hơn 500 ca mắc SXH. TP.Vũng Tàu có số ca mắc cao nhất với 220 ca, trong đó có 1 ca tử vong.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi (TP.Vũng Tàu), cho biết mỗi ngày có từ 4 - 5 trường hợp bị SXH vào BV điều trị, không chỉ có trẻ em mà người lớn cũng mắc bệnh rất nhiều. Ngành y tế tỉnh này đã phối hợp với các địa phương phát hiện 94 ổ dịch SXH và tiến hành xử lý toàn bộ bằng phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức diệt lăng quăng, giám sát ca bệnh.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết tại TP mùa dịch bệnh SXH hằng năm thường kéo dài từ khoảng đầu tháng 8 của năm trước đến khoảng cuối tháng 3 năm sau.
[VIDEO] Gần 2 tháng, Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 500 ca sốt xuất huyết
Đối với mùa dịch 2018 - 2019, ghi nhận ca bệnh tăng nhanh chóng từ tháng 8, đạt đỉnh dịch ở cuối tháng 11, đầu tháng 12 với 1.357 ca/tuần. Trước đây, bệnh SXH được cho là bệnh của trẻ em, nhưng hiện nay SXH xảy ra nhiều ở người trên 15 tuổi (chiếm gần 50% số ca mắc).
Các trường hợp tử vong do SXH hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, có bệnh mãn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn còn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến BV trễ.
Theo TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: Đầu năm 2019 đến nay, số mắc SXH có tăng so với cùng kỳ 2018, tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ với tâm điểm gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu với gần 80% số ca mắc cả nước.
Theo ông Thượng, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nóng ẩm mưa nhiều, bệnh SXH ở miền Nam hiện nay gần như xuất hiện quanh năm chứ không chỉ mỗi mùa mưa nữa.
Nhiều trẻ được tiêm phòng sởi muộn
Ngày 21.2, thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết ở một số tỉnh, thành phố lớn hiện có tình trạng trẻ tiêm phòng sởi muộn so với lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.
Nguyên nhân là do trẻ không tiêm vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi mà đợi đến 12 tháng tuổi trở lên để tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella dịch vụ; do các gia đình đợi trẻ 4 - 6 tuổi mới tiêm nhắc lại mũi vắc xin “3 trong 1 này” mà bỏ qua mũi tiêm vắc xin sởi - rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng lúc 18 tháng. Việc trì hoãn tiêm chủng khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây lan bệnh.
Liên quan đến các ca mắc sởi ở người lớn, phần lớn nhóm người lớn này sinh ra trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (1985) đã từng mắc sởi. Ngoài ra, trong nhóm người lớn sinh sau năm 1985 và tiêm 1 mũi vắc xin sởi khi còn nhỏ, có một tỷ lệ nhất định chưa có miễn dịch phòng bệnh.
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.