Những điều bà mẹ cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn cho trẻ, khi đưa con đi tiêm chủng các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, có bệnh bẩm sinh, có tiền sử dị ứng, đặc biệt tiền sử có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm… cho cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng.
Sau tiêm chủng trẻ cần được ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và xử trí kịp thời nếu có phản ứng bất thường xảy ra.
Về nhà trong 1 - 2 ngày sau tiêm chủng, các bà mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, để ý đến trẻ hơn, cặp nhiệt độ và theo dõi sát nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt (người nóng, mặt đỏ, vã mồ hôi…) hoặc có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, lưu ý theo dõi trẻ về ban đêm.
Nếu trẻ sốt, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Các bà mẹ không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có nếu có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục trên 39 độ, nôn trớ, bỏ bú, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, phát ban, nổi mẩn, dị ứng,… hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác hoặc cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của trẻ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và xử trí kịp thời.
Lưu ý: Hiện nay, thời tiết tại các tỉnh miền núi phía Bắc đang trong giai đoạn mùa đông giá rét, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi tiêm chủng, các bà mẹ cần luôn giữ ấm cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm chủng cho trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.