Sơ cứu sai, cột sống tổn thương hai lần

21/01/2013 11:02 GMT+7

Tư thế và cách thức di chuyển cực kỳ quan trọng khi cấp cứu cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống.

“Có người bị tai nạn giao thông nặng, đau khắp mình mẩy nhưng vẫn cố đứng lên, được người đi đường chở tới bệnh viện (BV), rồi bất ngờ tắt thở trên đường đi. Một số trường hợp khác bị ngã từ trên cao, được mọi người lôi, kéo vào chỗ sạch sẽ chờ cấp cứu nhưng khi bác sĩ (BS)đến nơi thì phát hiện cột sống của người bị nạn đã bị chấn thương nặng, trong khi tư thế nằm hiện tại lẫn cách được di chuyển đều khiến tổn thương ấy trầm trọng thêm…” - ThS-BS Võ Quang Huy, Trưởng Khoa Cấp cứu ngoại viện - BV Cấp cứu Trưng Vương, kể.

Có thể bị liệt

Theo BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, chấn thương cột sống có thể được điều trị và phục hồi được nhưng đáng sợ nhất là chấn thương đó ảnh hưởng đến tủy sống và các rễ thần kinh. “Nếu bệnh nhân bị di chuyển sai, phần cột sống bị gãy không được cố định sẽ “phạm” vào phần tủy vốn rất mềm, dễ thương tổn. Tủy sống thuộc hệ thần kinh trung ương, nên chấn thương ở đâu thì phần cơ thể từ vùng đó trở xuống sẽ bị ảnh hưởng, yếu đi, nặng nề nhất là bị liệt hoàn toàn. “Nhẹ nhàng” hơn một chút là ảnh hưởng đến các rễ thần kinh thì bệnh nhân sẽ bị yếu, liệt phần cơ thể mà rễ thần kinh đó chi phối”.

 Nhân viên Khoa Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương mô tả các tư thế nằm ngửa, có cố định cổ cho người bị chấn thương cột sống
Nhân viên Khoa Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương mô tả các tư thế nằm ngửa,
có cố định cổ cho người bị chấn thương cột sống

Tuy nhiên, dạng chấn thương mà các BS lo ngại nhất vẫn là tổn thương cột sống cổ. BS Tô Vĩnh Ninh, Trưởng Khoa Cấp cứu - BV Nhân dân Gia Định, cho biết: Trong cấp cứu, thứ tự ưu tiên 1 luôn là đường thở (có bị cản trở hay không); thứ 2 là tình trạng hô hấp, tim mạch (có bị ngưng tim ngưng thở hay không); thứ 3 là tổn thương ở mạch máu (chảy máu), thứ 4 mới là hệ thần kinh, trong đó có cột sống.

Nhưng riêng chấn thương cột sống cổ thì lại được đưa lên thứ tự ưu tiên 1, song song với cấp cứu đường thở. “Nếu sửa tư thế nạn nhân lại để tiến hành các sơ cứu khác mà không đánh giá được tình hình tổn thương cột sống cổ thì rất có thể làm tắc đường dẫn truyền thần kinh, tác động đến hệ thần kinh tự trị chi phối tim, phổi, từ đó làm nạn nhân ngưng tim, ngưng thở. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị chứng sốc thần kinh nếu chấn thương quá nặng” - BS Ninh cảnh báo.

BS Huy nhấn mạnh: “Nếu nạn nhân bị tai nạn nặng với tư thế phức tạp, ngã từ trên cao xuống, cần coi như đã có tổn thương ở cột sống cổ. Các đội cấp cứu chuyên nghiệp sẽ có dụng cụ cố định cổ và cột sống. Còn trong điều kiện người dân tự tiến hành sơ cứu, chẳng hạn như tình huống nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, cần được hồi sinh tim phổi, có thể cố định cổ nạn nhân bằng những thứ tìm được xung quanh như hộp carton, cục gạch, gỗ được quấn vải… trước khi tiến hành các bước sơ cứu khác. Ngoài ra, nếu nạn nhân còn tỉnh, nên đứng ở phía chân nạn nhân khi trò chuyện, tránh đứng ở phía đầu mà gọi nạn nhân, vì như thế có thể khiến họ cố ngước cổ lên để trả lời và vô tình làm tổn thương nặng thêm”.

Giữ cột sống trên một đường thẳng

Sơ cứu trong các trường hợp tai nạn lao động, té ngã từ trên cao, trước hết tùy thuộc vào nạn nhân có ngưng tim, ngưng thở hay không. “Nếu không rành về cách sơ cứu, nạn nhân ở tư thế quá phức tạp thì tốt nhất nên để yên chờ đội cấp cứu tới. Trong trường hợp nhất thiết phải di chuyển nạn nhân hoặc cần hồi sinh tim phổi ngay lập tức, nên giữ cột sống trên một đường thẳng song song với mặt đất. Tư thế tốt có thể là nằm ngửa, cổ có vật chèn nâng đỡ hoặc tư thế nằm nghiêng an toàn, cũng với một bàn tay lót dưới cổ” - BS Huy lưu ý.

Theo BS Ninh, khi người bị nạn than đau cổ, đau lưng, đặc biệt là các trường hợp quan sát thấy vùng cột sống bị biến dạng thì không nên để bệnh nhân cố gắng tự đứng, ngồi lên hay leo lên xe để đi tới BV mà không có biện pháp cố định nào. Có những trường hợp rất đáng tiếc như bệnh nhân ngưng thở trên đường nhập viện vì tổn thương cột sống cổ hoặc vào đến viện mới thấy một phần cơ thể dần yếu liệt vì tổn thương ở phần sống lưng…

Tránh xốc nách nạn nhân để di chuyển

Nhiều người thường giúp di chuyển người bị nạn đến nơi sạch sẽ hơn trước khi sơ cứu, tuy nhiên theo các BS, nếu nghi ngờ tai nạn có ảnh hưởng đến cột sống, tuyệt đối không xốc nách nạn nhân lên để kéo lê đi chỗ khác hoặc khiêng theo tư thế một người xốc nách, một người đỡ phía sau đầu gối. Những cách di chuyển này đều có thể khiến nạn nhân bị tổn thương lần hai ở cả vùng cột sống cổ và lưng. Theo BS Tô Vĩnh Ninh, cách di chuyển đúng cần có ít nhất 3 người để nâng đỡ, giúp giữ thẳng cột sống. Tốt nhất nên khiêng người bị nạn trên một băng ca hay tấm ván và thật cẩn thận khi chuyển họ lên ván.

Theo Anh Thư / Người Lao Động

>> Phát hiện mới về chấn thương não
>> Khánh thành Bệnh viện quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn – Đồng Nai
>> Sơ cứu chấn thương cột sống
>> Đồng tử to ra sau chấn thương
>> Hy vọng cho bệnh nhân chấn thương chi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.