Sẽ sớm có vắc xin hen suyễn cho người

Uyên Lê
Uyên Lê
20/05/2021 09:02 GMT+7

Bệnh hen suyễn gây ra hàng trăm nghìn cái chết mỗi năm, nhưng nỗi lo về căn bệnh này có thể sẽ sớm được giải tỏa nhờ một loại vắc xin đang được thử nghiệm ở Pháp, theo Sciencealert.

Hiện tại, loại vắc xin nguyên mẫu mới chỉ được thử nghiệm trên động vật, nhưng các nhà nghiên cứu sẽ sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng dupilumab - một kháng thể đơn dòng được sử dụng để điều trị bệnh chàm, có khả năng làm giảm các triệu chứng và cải thiện chức năng phổi khi nhiễm hen suyễn nặng.
Có được khả năng này là do cách dupilumab ngăn chặn tín hiệu từ interleukin-4 (IL-4) và interleukin-13 (IL-13) - hai phân tử tín hiệu cytokine trong hệ thống miễn dịch. Hai phân tử này liên quan đến tình trạng viêm loại 2, gây cản trở hô hấp ở khoảng 50 - 70% bệnh nhân hen suyễn.
Với người bị hen suyễn dị ứng, việc tiếp xúc với bụi, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác sẽ sản sinh ra một lượng lớn các cytokine này cùng với kháng thể immunoglobulin E (IgE) quá mức, thúc đẩy quá trình viêm đường hô hấp và khiến họ khó thở hơn.

Vắc xin thử nghiệm đã thành công ở chuột, sẽ sớm áp dụng cho người

Ảnh: SHUTTERSTOCK

Mặc dù phương pháp điều trị bằng dupilumab và các kháng thể đơn dòng khác (mAb) có thể làm giảm triệu chứng hen suyễn, nhưng lại rất tốn kém và cần phải tiêm liên tục mới phát huy tác dụng.
Theo Sciencealert, nhóm nghiên cứu thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm và viêm nhiễm Toulouse (Pháp) đã tìm ra 1 biện pháp đỡ tốn kém và hiệu quả hơn. Họ cho biết: "Các vắc xin liên hợp - được gọi là kinoids, có thể tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa nội sinh lâu dài nhằm chống lại cytokine và là giải pháp thay thế tốt hơn mAb. Theo giả thuyết của nhóm, việc tiêm vắc xin liên hợp chống lại IL-4 và IL-13 sẽ làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn mạn tính."
Được phát triển bởi nhóm nghiên cứu Toulouse, Viện Pasteur ở Paris và Công ty Công nghệ sinh học Neovacs (Pháp), vắc xin thử nghiệm mới kết hợp các cytokine tái tổ hợp với một protein tên là CRM197. Hơn 90% số chuột được tiêm thử nghiệm đã hình thành các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa IL-4 và IL-13 trong vòng 6 tuần sau khi tiêm. Sau 1 năm, hơn 60% số chuột vẫn có lượng kháng thể cao.
Kết quả này là một bước ngoặt đầy hứa hẹn. Công ty Neovacs và nhóm nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân hen suyễn ở Toulouse và Strasbourg. Dự kiến sẽ tiêm chính thức cho người trong vòng hai năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.