Robot tí hon như viên thuốc có thể phát hiện ung thư ruột thay cho nội soi

Thiên Lan
Thiên Lan
25/06/2019 10:11 GMT+7

Các nhà khoa học từ London (Anh) đã tạo ra một viên nang robot tí hon có thể chụp ảnh bên trong đại tràng nhằm phát hiện ung thư, mà không cần thủ tục nội soi xâm lấn và đau đớn, theo Hindustan Times.

Hệ thống trí thông minh nhân tạo sẽ đảm bảo cho viên nang trơn có thể tự định vị chính xác vào thành ruột để có được hình ảnh siêu âm chất lượng tốt nhất.
Trông như một viên thuốc, thiết bị có thể được điều khiển bên trong đại tràng để chụp ảnh siêu âm, có ưu điểm là có thể xác định một cách tốt hơn về những biến đổi tế bào liên quan đến ung thư.
Thiết bị này một ngày nào đó có thể thay thế nội soi - một thủ tục xâm lấn có thể gây đau đớn.
Viên nang là đỉnh cao của công trình nghiên cứu kéo dài suốt một thập kỷ của một tập đoàn quốc tế gồm các kỹ sư và nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật gọi là thao tác từ tính thông minh.
Dựa trên nguyên tắc nam châm có thể hút và đẩy nhau, một loạt nam châm trên cánh tay robot sẽ tương tác với một nam châm bên trong viên nang, nhẹ nhàng di chuyển nó qua đại tràng, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Robotics của Đan Mạch.
Các lực từ trường được sử dụng là vô hại và có thể đi qua mô cơ thể, mà không cần kết nối vật lý giữa cánh tay robot và viên nang.
Hệ thống trí thông minh nhân tạo có thể điều hướng viên nang đến vị trí cần thiết.
Công nghệ có khả năng thay đổi cách kiểm tra đường tiêu hóa, giáo sư Pietro Valdastri, từ Đại học Leeds (Anh) cho biết.
Siêu âm vi mô có thể ghi lại hình ảnh với độ phân giải cao và nhận ra các tổn thương nhỏ ở các lớp bề mặt của ruột, cung cấp thông tin có giá trị về các dấu hiệu ban đầu của bệnh.
Với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thao tác từ tính thông minh là một kỹ thuật hiệu quả để định hướng cho một viên nang siêu âm siêu nhỏ thực hiện ghi hình nhắm mục tiêu sâu bên trong cơ thể con người, ông nói.
Robot điều khiển có thể định vị vị trí của viên nang bất cứ lúc nào và điều chỉnh nam châm điều khiển bên ngoài để thực hiện chụp ảnh chẩn đoán trong khi vẫn duy trì tín hiệu siêu âm chất lượng cao, theo Hindustan Times.
Phát hiện này có khả năng cho phép chẩn đoán không đau thông qua một viên thuốc siêu âm trong toàn bộ đường tiêu hóa, giáo sư Pietro nói thêm.
Với nhu cầu ngày càng cao về nội soi, điều quan trọng hơn bao giờ hết là có thể đưa ra một phương pháp điều trị chính xác, nhắm mục tiêu và hiệu quả về chi phí, thoải mái cho bệnh nhân, chuyên gia Sandy Sandy Burran, giáo sư tại Đại học Glasgow ở Anh phát biểu.
“Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, viên nang sẽ được đưa vào sử dụng phổ biến, chẩn đoán hiệu quả các bệnh nghiêm trọng ở giai đoạn đầu và theo dõi hệ thống tiêu hóa của tất cả mọi người”, ông Burran nói.
Viên nang có kích thước nhỏ, đường kính 21mm và chiều dài 39mm, mà các kỹ sư cho biết có thể thu nhỏ lại. Viên nang chứa đầu dò siêu âm siêu nhỏ, đèn LED, camera và nam châm.
Một sợi cáp linh hoạt rất nhỏ được buộc vào viên nang cũng đi vào cơ thể qua trực tràng và gửi hình ảnh siêu âm trở lại máy tính trong phòng xét nghiệm.
Các thử nghiệm khả thi đã được tiến hành trên các mô hình phòng thí nghiệm và trong các nghiên cứu trên động vật.
Các bệnh về đường tiêu hóa chiếm khoảng 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, bao gồm một số bệnh ung thư ruột có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao, theo Hindustan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.