Phòng nhiễm bệnh khi đi du lịch đầu xuân

10/02/2019 13:14 GMT+7

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu về dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch mùa lễ hội .

Các bệnh dễ lây nhiễm

Theo Cục Y tế dự phòng, ngay trong những tuần đầu năm 2019, dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Trong nước, một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số người di biến động lớn, đặc biệt có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có nguy cơ cao, ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, cùng với sởi, các bệnh mùa đông xuân cũng được cảnh báo có nguy cơ gia tăng trong dịp nghỉ Tết và mùa lễ hội tháng giêng như quai bị, thủy đậu. Đáng lưu ý, trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết tại một số tỉnh như: An Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.  “Tại Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành và được giám sát thường xuyên”, bác sĩ Đặng Kim Hạnh, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và vắc xin, sinh phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, xác nhận.
Ngoài ra, thời tiết tháng tết và lễ hội cũng thuận lợi cho nhiễm vi rút cúm. Ngay trong ngày 2 Tết, đã có 2 bệnh nhân viêm phổi nặng, nghi nhiễm cúm gia cầm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong khi đó, đã có địa phương xuất hiện ổ dịch quai bị.
PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lưu ý: “Để chủ động phòng nhiễm bệnh nguy hiểm, với những người về quê hoặc đi du lịch cần tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh ở nơi đến để chủ động phòng chống dịch, bệnh. Trong mọi tình huống, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm như: sốt, ho, khó thở... hoặc bất cứ bất thường nào về sức khỏe cần đến cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn theo dõi sức khỏe”.
Người dân không chủ quan khi mắc các bệnh đường hô hấp nghi do nhiễm cúm (ảnh minh họa) ẢNH LIÊN CHÂU
Riêng với bệnh sởi, số mắc sởi tăng tại một số địa phương do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu. Bệnh sởi sẽ để lại hậu quả lớn đối với sức khỏe cũng như tăng chi phí điều trị do có thể gây các biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm màng não so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường. "Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn chưa có miễn dịch cũng cần tiêm vắc xin sởi", PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Người lớn lây bệnh cho trẻ nhỏ

PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo các gia đình không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân như: khăn ăn, khăn tay, đặc biệt là không mớm cho trẻ nhỏ.
"Người lớn cần bỏ thói quen mớm thức ăn cho trẻ vì đó là nguồn lây bệnh cho trẻ. Nguyên nhân do một số bệnh người lớn có thể mang vi khuẩn, vi rút mà không có biểu hiện bệnh nhưng khi mớm thức ăn sẽ lây nhiễm bệnh cho trẻ nhỏ dễ dàng", PGS Phu nói, đồng thời lưu ý các gia đình ngay cả khi đi du lịch, dã ngoại cũng cần lưu ý các tình huống đảm bảo vệ sinh và chú ý phòng chống muỗi đốt để tránh bị sốt xuất xuất huyết và phòng bệnh do côn trùng đốt cho các thành viên trong gia đình để phòng bệnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.