Phòng dịch COVID-19: 7 thói quen xấu làm suy yếu hệ miễn dịch

Thiên Lan
Thiên Lan
18/03/2020 00:22 GMT+7

Với sự bùng phát đại dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trang bị một hệ miễn dịch mạnh mẽ là quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhưng hãy cẩn thận, có một số thói quen hằng ngày đi ngược lại, có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn, theo Live Strong.

1. Không dành thời gian chăm sóc bản thân

Căng thẳng tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng miễn dịch.
Khi bị căng thẳng, cơ thể tiết ra cortisol và adrenaline, các hoóc môn làm giảm mức độ tế bào bạch cầu lympho và phagocytes, nhà nghiên cứu miễn dịch học, tiến sĩ Kathleen Dass, từ Đại học Michigan (Mỹ), cho biết.
Với số lượng tế bào bạch cầu giảm, cơ thể gặp khó khăn hơn trong việc chống lại các kháng nguyên vi khuẩn và virus.

2. Ăn nhiều thực phẩm chế biến

Chế độ ăn nhiều carbs (tinh bột) tinh chế và đường làm khó cho hệ miễn dịch.
Thực phẩm chế biến tấn công các vi khuẩn tốt trong ruột, nhường chỗ cho vi khuẩn có hại xâm nhập và làm suy yếu hệ miễn dịch đường ruột, tiến sĩ Dass nói.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều chất phụ gia hóa học trong thực phẩm chế biến đã phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột, theo Live Strong.

3. Không ngủ đủ

Không ngủ đủ có thể khiến bạn bị bệnh.
Nếu không ngủ đủ, cơ thể không thể sản xuất nhiều cytokine và sẽ khó chống lại bệnh do virus và vi khuẩn hơn.

4. Uống nhiều rượu

Rượu bia tàn phá hệ miễn dịch. Rượu làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong ruột, tiến sĩ Dass nói.
Nó loại bỏ các vi khuẩn có lợi, và hậu quả là nhiều vi khuẩn có hại đi vào máu, dẫn đến viêm gan.
Theo tiến sĩ Dass, uống rượu ngăn chặn việc sản xuất cả tế bào T và tế bào B, giúp tạo ra các kháng thể tiêu diệt virus và vi khuẩn.
Ngoài ra, nó làm suy yếu các globulin miễn dịch - kháng thể bảo vệ chức năng miễn dịch trong ruột và trong nước bọt.
Uống nhiều cũng làm suy yếu các tế bào biểu mô lót trong ruột, nơi có nhiều đặc tính hỗ trợ miễn dịch.

5. Hút thuốc

Hút thuốc là kẻ thù cho hệ miễn dịch.
Các hợp chất hóa học trong thuốc lá ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp, từ mũi đến phổi, tiến sĩ Dass nói.
Khi hút thuốc, cơ thể tiết ra chất nhầy quá mức, làm hẹp đường thở và khiến phổi khó thải độc tố hơn, do đó làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Hơn nữa, vì cơ thể đang làm việc gấp đôi để loại bỏ các hóa chất do thuốc lá tiết ra, khả năng chống nhiễm trùng sẽ bị tổn hại.
Hút thuốc cũng làm giảm mức độ chất chống ô xy hóa bảo vệ trong máu, tiến sĩ Dass nói. Điều này làm tăng nguy cơ viêm phổi đến viêm phế quản.

6. Không tiêm phòng cúm

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, việc tiêm vắc xin sẽ giảm khoảng một nửa nguy cơ mắc bệnh cúm.
Tiêm phòng cúm tạo ra các kháng thể chống lại virus cúm. Đặc biệt cần đối với phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 50 tuổi và những người có vấn đề về phổi như hen suyễn, theo Live Strong.

7. Lười tập thể dục

Bạn không chịu tập thể dục? Đừng ngạc nhiên nếu bạn cứ hắt hơi sổ mũi.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên tăng cường khả năng miễn dịch.
Tập thể dục làm tăng cả kháng thể và tế bào bạch cầu, cho phép cơ thể nhắm mục tiêu chống nhiễm trùng sớm hơn và hiệu quả hơn, tiến sĩ Dass nói.
Thêm vào đó, nhiệt độ cơ thể tăng lên trong khi tập thể dục, có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và tiêu diệt mầm bệnh.
Tập thể dục cũng là cách tuyệt vời để xua tan các hoóc môn gây căng thẳng có hại. Tập thể dục làm chậm sự giải phóng cortisol và adrenaline trong cơ thể bạn, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh do vi khuẩn và virus, tiến sĩ Dass cho biết, theo Live Strong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.