Phòng bệnh nCoV trong hiểu biết, không hoang mang

07/02/2020 09:50 GMT+7

Dịch bệnh do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đang xảy ra ở nhiều nước khiến người dân lo lắng. Theo các nhà chuyên môn, chúng ta không lơ là trong phòng bệnh, nhưng không quá sợ hãi, hãy bình tĩnh trong cuộc chiến với dịch bệnh!

Trước lo lắng của người dân, ngày 6.2, Báo Thanh Niên phối hợp Bệnh viện FV, TP.HCM (gọi tắt BV FV), tổ chức chương trình talkshow trực tuyến về chủ đề "Hiểu đúng về bệnh do nCoV". Qua chương trình, các bác sĩ (BS) BV FV chia sẻ các nội dung thiết thực: Hiểu đúng về dịch bệnh nCov; Biện pháp phòng ngừa; Trách nhiệm y tế cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh... Tham gia chia sẻ thông tin về dịch bệnh có: BS Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc BV FV; BS Vũ Trường Sơn - Trưởng khoa Phòng chống nhiễm khuẩn BV FV...

Không lây lan và tử vong như đồn thổi

Theo BS Jean-Marcel Guillon, đường lây lan của nCoV là qua tiếp xúc với dịch tiết, giọt bắn của người bị nhiễm (dịch sổ mũi, ho), người tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ngay sau khi người bệnh tiết ra mới có thể bị lây lan. Nhưng, vi rút này không quá nguy hiểm như một số thông tin lan truyền rằng vi rút gây chết người hàng loạt.
"Tôi chia sẻ cho các bạn yên tâm là vi rút này không thể nào bay lơ lửng để chúng ta tiếp xúc và bị lây nhiễm dễ dàng được. Chúng ta vẫn chưa biết vi rút có thể sống được bao lâu bên ngoài cơ thể con người, nhưng theo kinh nghiệm của y khoa thì vi rút chỉ sống được vài phút sau khi rời khỏi cơ thể người bệnh”, - BS Jean-Marcel Guillon trấn an.
BS Vũ Trường Sơn cho biết thêm, tiếp xúc gần là trong khoảng 1 m đổ lại mới đáng sợ. Theo BS Sơn, các triệu chứng nhiễm dịch bệnh này rất đa dạng, từ không có triệu chứng đến nhẹ, hoặc nặng như viêm phổi rồi suy hô hấp. Theo thống kê, khoảng 85% bệnh nhân có các triệu chứng: sốt, ho còn những trường hợp như viêm họng, đau cơ, nhức đầu, tiêu chảy… cũng gặp ở khá nhiều trường hợp. Những triệu chứng này cũng gặp ở những bệnh cúm, bệnh cảm thông thường. "Nếu có các dấu hiệu trên hoặc nghi ngờ thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám”, BS Vũ Trường Sơn khuyến cáo.
Theo BS Jean-Marcel Guillon, tỷ lệ tử vong ở bệnh này không cao (tỷ lệ tử vong với các ca phải điều trị là từ 2 - 3%), thường rơi vào người lớn tuổi, có bệnh mãn tính.
Theo BS Sơn, trong các ca tử vong, có 80% trên 60 tuổi. Những người này có những bệnh nền (bệnh có sẵn). Và tổn thương gây tử vong liên quan đến phổi như: viêm phổi, xơ phổi.
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), tính đến 18 giờ ngày 6.2.2020, tổng số mắc nCoV trên thế giới là 28.348 ca, trong đó tại Trung Quốc: 28.085 ca; tổng số ca tử vong: 565, trong đó Trung Quốc 563 ca. VN có 12 ca mắc (có 3 ca khỏi bệnh, xuất viện).

Đừng quá hoang mang

BS Jean-Marcel Guillon đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh nCoV của Bộ Y tế VN và các đơn vị trong nước trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay chúng ta đã có những hiểu biết hơn về dịch bệnh, vi rút này.
BS Jean-Marcel Guillon chia sẻ thêm, khi dịch bệnh nCoV xảy ra ở Trung Quốc, nước Pháp đưa tất cả những người Pháp ở Vũ Hán về nước và có những biện pháp cách ly và xét nghiệm kiểm tra cho tất cả những người dân này; nếu kết quả âm tính thì họ sẽ được sinh hoạt bình thường, không vấn đề gì cả.
Do vậy, theo BS Jean-Marcel Guillon: "Mọi người hãy yên tâm mà sống, sinh hoạt, tham gia các hoạt động cộng đồng bình thường. Không lơ là trong phòng tránh bệnh, nhưng không quá lo lắng!".
BS Jean-Marcel Guillon cũng cảm ơn Báo Thanh Niên đã mời các chuyên gia chia sẻ thông tin liên quan đến dịch bệnh nCoV, giúp người dân có thêm thông tin, bớt đi sự lo lắng thái quá gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, du lịch...
Giảm nhiễm trùng bệnh viện tại FV
Một trong 6 tiêu chí quốc tế về an toàn người bệnh đó là giảm nguy cơ nhiễm trùng BV, nhất là trong lúc đang có dịch bệnh. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của BV FV - BV đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI về an toàn bệnh nhân. Chính vì vậy, tỷ lệ nhiễm trùng BV tại BV FV luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn 0,5%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.