Phát triển thành công tai mới cho trẻ bị tật tai nhỏ

01/02/2018 15:01 GMT+7

Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã kết hợp công nghệ in 3D với các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để phát triển thành công những cái tai mới cho 5 đứa trẻ sinh ra bị dị tật tai nhỏ bẩm sinh.

Theo CNN ngày 31.1, đây là nghiên cứu đầu tiên phát triển tai mới dựa trên sự kết hợp này trên thế giới. Các nhà nghiên cứu mô tả cách họ thu thập các tế bào sụn từ tai nhỏ của những đứa trẻ và sử dụng chúng để phát triển sụn tai mới dựa vào mô hình in 3D những tai của các đứa trẻ bình thường.
Sau đó, họ chuyển sụn tai mới này cho các đứa trẻ bị dị tật và phẫu thuật tái tạo lại, theo nghiên cứu đã được xuất bản trong tháng 1.2018 trên Tạp chí EbioMedicine. Nghiên cứu này đã được thực hiện hơn hai năm rưỡi.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ còn cần phải nghiên cứu thêm nữa trước khi có thể sử dụng phương pháp này rộng rãi trên lâm sàng. Năm đứa trẻ được tái tạo tai mới này còn được theo dõi thêm 5 năm nữa để xem thính giác của chúng có bị ảnh hưởng gì không.
Dị tật tai nhỏ là khiếm khuyết trong hình thành vành tai, ống tai ngoài và tai giữa, gây ảnh hưởng đến thính giác và thẩm mỹ. Tỉ lệ mắc dị tật này trên thế giới là 1/5.000 trẻ sinh ra. Châu Á là một trong những vùng có tỉ lệ mắc dị tật này cao, theo CNN.
Trẻ bị dị tật này thường được phẫu thuật để tái tạo tai nhưng vành tai được tạo hình hoàn toàn bằng silicon và gắn vào bên tai bằng keo dán hoặc bằng kỹ thuật cấy ghép. Một vài bác sĩ sử dụng sụn xương sườn của bệnh nhân để tái tạo tai.
Thành công trong việc tái tạo tai từ những sụn tai nhỏ của người bệnh giờ đã chứng minh rằng đó không phải lý thuyết suông mà đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc chứng minh có thể áp dụng trên lâm sàng.
Theo GS Lawrence Bonassar của Đại học Cornell (ở New York, Mỹ), đó là mục tiêu hướng đến các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh và tế bào học trong hơn 20 năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.