Phát hiện ổ giun kim trong đại tràng

24/04/2020 06:39 GMT+7

Nhiễm giun kim là một trong những bệnh bị “lãng quên”, nhưng thực tế chúng vẫn tồn tại và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng .

Rất dễ bị tái nhiễm

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang mới đây tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện với triệu chứng rối loạn bài tiết phân, đau bụng, ngứa hậu môn.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện nội soi đại trực tràng bằng ống mềm (có gây mê) tìm nguyên nhân. Trên hình ảnh nội soi, các bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa phát hiện rất nhiều giun kim trong đại tràng và hậu môn của người bệnh. Màn hình thiết bị siêu âm còn cho thấy rất nhiều giun kim màu trắng di chuyển trong đường tiêu hóa. Sau khi được chẩn đoán, điều trị, bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.
Theo các bác sĩ, giun kim là một loại giun nhỏ, sống chủ yếu ở đường tiêu hóa. Giun kim cái thường ra rìa hậu môn để đẻ trứng, vì vậy mỗi lần đẻ trứng thì sẽ kích thích niêm mạc hậu môn gây ngứa, rất khó chịu.
Chuyên gia về ký sinh trùng của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Hà Nội) cho biết: Giun kim trưởng thành gặp chủ yếu ở ruột non, sau đó chúng xuống ruột già (đại tràng). Giun cái có thể đẻ 4.000 - 200.000 trứng, và sẽ chết sau khi đẻ trứng. Trứng đẻ ra sau vài giờ, nếu gặp điều kiện thuận lợi thì ấu trùng của giun kim cũng được hình thành tại các nếp nhăn của hậu môn. Vì vậy, người có giun kim đang đẻ rất dễ bị tái nhiễm, nhất là do tay nhiễm ấu trùng giun rồi lây nhiễm vào đũa, bát, dụng cụ ăn uống hoặc thức ăn. Cũng rất có thể ấu trùng giun kim đi ngược dòng trở lại đường ruột làm tái nhiễm, phát triển thành giun kim trưởng thành trong ruột và tiếp tục gây bệnh.

Nhận biết biểu hiện bệnh

Bệnh giun kim có thể gây tiêu chảy do kích thích nhu động ruột tuy không thường xuyên xảy ra. Chán ăn hoặc ăn không tiêu, thỉnh thoảng có buồn nôn hoặc nôn và đau bụng âm ỉ là các biểu hiện thường có ở người mắc bệnh giun kim.
Ở trẻ nhỏ, bệnh giun kim có thể khiến còi xương, suy dinh dưỡng. Trẻ thường bứt rứt, khó chịu, giấc ngủ không sâu hay giật mình, dễ khóc đêm.
Người lớn mắc bệnh giun kim có thể bị di tinh ở nam giới, viêm âm đạo ở phụ nữ (ngay cả em gái) do giun kim khi ra hậu môn đẻ trứng rồi chui vào âm đạo mang theo vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, mắc bệnh giun kim, nữ giới có thể bị rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rong kinh, kinh kéo dài...).
Một số trường hợp do giun đi lạc vào thực quản, phổi, hoặc bàng quang... gây hiện tượng viêm nhiễm. Giun chui vào ruột thừa sẽ gây viêm ruột thừa cấp tính, rất nguy hiểm.
Hiện nay, để điều trị, thông dụng là dùng thuốc tẩy giun. Bệnh nhân cần thiết được khám bệnh, xét nghiệm để có chỉ định dùng thuốc thích hợp.
Người dân nên tẩy giun và khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đi khám bệnh sớm tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.