Phát hiện mới: Trẻ 'độc thoại' tập trung vào nỗ lực sẽ đạt thành tích cao hơn

Tạ Ban
Tạ Ban
28/12/2019 14:30 GMT+7

Trẻ em có thể tăng thành tích, đạt điểm số cao hơn nếu chúng độc thoại , tự nói lời khuyến khích bản thân tập trung vào nỗ lực (ví dụ: tôi đã rất cố gắng rồi!) thay vì khả năng (ví dụ: tôi giỏi cái này lắm!).

Nghiên cứu mới trên tạp chí Phát triển trẻ em của nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Hà Lan - gồm Thomaes, S (Đại học Utrecht), Tjaarda, IC (Đại học Khoa học ứng dụng Leiden), Brummelman, E (Đại học Amsterdam) và Sedikides, C (Đại học Southampton) - cho thấy trẻ em tự tin thấp có thể tăng điểm thi nếu chúng độc thoại những lời khuyến khích bản thân tập trung vào nỗ lực thay vì khả năng. Phát hiện này rất có ý nghĩa khi trẻ suy nghĩ tiêu cực về bản thân thường học kém ở trường, theo The Society for Research in Child Development.
Tiến sĩ Sander Thomaes, giáo sư tâm lý học tại Đại học Utrecht (Hà Lan), người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ trên srcd.org: “Cha mẹ và giáo viên thường được khuyên nên khuyến khích trẻ lặp lại những phát biểu tích cực về bản thân vào những lúc căng thẳng như khi chúng làm bài kiểm tra. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, chúng ta chưa từng có ý tưởng thấu đáo về việc liệu điều này có giúp ích cho thành tích của trẻ hay không. Chúng tôi phát hiện ra rằng trẻ em có sự tự tin thấp có thể cải thiện điểm của chúng thông qua việc độc thoại, tập trung vào nỗ lực, một chiến lược tự điều chỉnh mà trẻ có thể tự làm mỗi ngày”.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 212 trẻ em từ lớp 4 đến lớp 6 (từ 9 đến 13 tuổi) ở các trường học trong cộng đồng trung lưu Hà Lan. Kết quả, trẻ độc thoại tập trung vào nỗ lực (ví dụ: tôi đã rất cố gắng rồi!) cải thiện được thành tích kiểm tra so với trẻ không tự nói chuyện. Những lợi ích của độc thoại đặc biệt rõ rệt ở trẻ có niềm tin tiêu cực về năng lực của chúng.
Ngược lại, trẻ độc thoại tập trung vào khả năng (ví dụ: tôi giỏi cái này lắm!) không cải thiện điểm số môn toán, bất kể niềm tin về năng lực của chúng là gì, theo srcd.org.
Các tác giả lưu ý rằng, những phát hiện về độc thoại tích cực nói trên chỉ áp dụng với trẻ em từ lớp 4 đến lớp 6 và có thể không ứng với trẻ em ở các độ tuổi khác. Họ cũng nhấn mạnh, nghiên cứu thực hiện ở Hà Lan và phản ứng của trẻ em về việc độc thoại có thể khác nhau ở các quốc gia và nền văn hóa khác, theo srcd.org.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.