Ở Mỹ từng có ca mổ tim hở độc đáo 'không cần truyền máu'

Ngọc Quý
Ngọc Quý
21/09/2018 05:18 GMT+7

Bé RaeLynn Gehrke mắc bệnh tim bẩm sinh . Muốn cứu sống bé, các bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật. Cách này cần phải truyền máu.

Tuy nhiên, gia đình lại không chấp nhận cho bác sĩ truyền máu hay bất kỳ dung dịch nào thay thế máu.
Bé RaeLynn sinh vào tháng 12.2016. Cô bé mắc bệnh tim hiếm gặp gọi là tứ chứng Fallot. Căn bệnh khiến động mạch phổi của người mắc bị tổn thương, cản trở máu lưu thông lên phổi.
Muốn điều trị triệt để, bác sĩ phải làm tim ngưng đập tạm thời để phẫu thuật sửa chữa khiếm khuyết. Khi nghe thông báo từ bác sĩ, bố mẹ RaeLynn biết họ và con gái đang đối mặt với tình huống vô cùng khó khăn, theo Sharing Mayo Clinic.
Cả gia đình bé sống ở thành phố Bemidji, bang Minnesota (Mỹ). Khi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật để cứu RaeLynn thì cần phải truyền máu. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là gia đình cô bé theo một giáo phái ở Mỹ. Đức tin của giáo phái này không cho phép họ nhận máu hay bất cứ dung dịch nào thay thế máu, Sharing Mayo Clinic cho biết.
Nhận thức được vấn đề mà gia đình đang gặp, bác sĩ điều trị cho bé RaeLynn đã liên lạc với bác sĩ phẫu thuật Sameh Said của tổ chức phi lợi nhuận Mayo Clinic nổi tiếng của Mỹ.
Sau nhiều tháng lập kế hoạch cẩn thận và nỗ lực phối hợp giữa một nhóm bác sĩ, ca phẫu thuật tim cho RaeLynn diễn ra vào ngày 17.7.2017, khi cô bé mới 7 tháng tuổi. Nhóm bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật tim hở tại một cơ sở của Mayo Clinic ở thành phố Rochester, bang New York (Mỹ).
“Ca phẫu thuật thực sự là một minh chứng cho nỗ lực của một nhóm xuất sắc”, bác sĩ Said nói. Đây cũng là ca phẫu thuật đầu tiên dạng này mà tổ chức Mayo Clinic từng thực hiện.
Lên kể hoạch chu đáo
Khi được yêu cầu tham gia ca phẫu thuật, điều đầu tiên bác sĩ Sameh Said nghĩ đến là phẫu thuật tim hở mà không cần truyền máu là hoàn toàn có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, cần phải có kế hoạch chu đáo.
“Chúng tôi nghĩ rằng nếu có thể tập hợp được một nhóm xuất sắc và có chuẩn bị, chúng tôi có thể thực hiện ca phẫu thuật với mức độ rủi ro thấp nhất”, bác sĩ Said kể lại.
Nhóm phẫu thuật đã xem xét kỹ lưỡng từng quy trình phẫu thuật, sửa đổi từng bước một để phù hợp với mục tiêu không truyền máu khi phẫu thuật.
Các bác sĩ cũng thường xuyên trao đổi với bố mẹ của bé RaeLynn là ông RaeLynn và bà Summar. Điều này đã giúp gia đình có thêm lòng tin vào phương pháp của họ.
Định nghĩa lại phẫu thuật tim hở
Ca phẫu thuật tim được thực hiện theo cách vô cùng đặc biệt. Phẫu thuật tim hở, tức phẫu thuật qua đường mở ngực ở giữa xương ức, nhưng lại không cần truyền máu.
Nhóm phẫu thuật đã bắt đầu chuẩn bị từ vài tháng trước khi thực hiện. Mọi chuyện bắt đầu khi RaeLynn được bổ sung chất sắt và thuốc erythropoietin để tăng hemoglobin, một loại protein có nhiều sắt nằm trong tế bào hồng cầu, theo Sharing Mayo Clinic.
Cách này giúp tủy xương RaeLynn tạo ra nhiều tế bào hồng cầu, đồng nghĩa với việc cô bé có nhiều máu hơn những bệnh nhân bình thường khác.
Bác sĩ Caitlin Blau, người chịu trách nhiệm vận hành máy tim phổi trong cuộc phẫu thuật, đã tính toán và dự đoán nếu phẫu thuật không truyền máu thì nồng độ hemoglobin trong máu bệnh nhân sẽ giảm. Để ca phẫu thuật thành công, hemoglobin trước khi phẫu thuật của bệnh nhân phải từ 15 đến 16 g/dL.
Một vấn đề khác cũng được tính toán vô cùng kỹ lưỡng là cách vận hành máy tim phổi. Máy tim phổi được dùng để lọc máu có nhiều thán khí rồi bơm máu có nhiều dưỡng khí vào lại cơ thể bé RaeLynn. Đây là chức năng của máy tim phổi, được dùng để tạm thay thế chức năng của tim phổi khi 2 cơ quan này đang nằm im để phẫu thuật.
Các bác sĩ đã thay đổi một số cấu trúc trong máy tim phổi để hạn chế lượng máu chảy khỏi cơ thể bệnh nhân. Họ thay khổ ống nhỏ hơn cho máy và đổ một loại dung dịch đặc biệt để lấp đầy các khoảng trống trong máy. Bằng cách này, tổng thể tích máu chảy vào máy sẽ giảm, từ đó hạn chế lượng máu chảy ra khỏi cơ thể bé RaeLynn.
Nhờ nỗ lực của cả nhóm, ca phẫu thuật đã thành công. Đúng như những gì các bác sĩ dự đoán. Nồng độ hemoglobin trong máu bé RaeLynn đã giảm xuống còn mức 12 g/dL sau ca phẫu thuật. Dù vậy, nó vẫn cao hơn mức 10 g/dL trước khi được uống sắt và thuốc tăng hemoglobin.
Chỉ hai ngày sau ca phẫu thuật, bé RaeLynn đã mỉm cười trở lại.
Hai tuần sau, các bác sĩ khám lại và nhận thấy RaeLynn đang hồi phục tốt. Ca phẫu thuật được đánh giá là đã giúp nâng cao kiến thức của các bác sĩ về phương pháp phẫu thuật mở tim mà không cần truyền máu độc đáo này, theo Sharing Mayo Clinic.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.