Những yếu tố tăng nguy cơ tiểu đường

22/04/2012 03:37 GMT+7

Bệnh tiểu đường không chỉ do các tác nhân di truyền và thực phẩm có đường gây ra, mà còn do nhiều yếu tố.

Bệnh tiểu đường không chỉ do các tác nhân di truyền và thực phẩm có đường gây ra, mà còn do nhiều yếu tố.  

Ngồi quá lâu. Một cuộc nghiên cứu của Đại học Leicester (Anh) cho thấy những phụ nữ có thói quen ngồi lâu đến 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường dạng 2 tăng cao gấp đôi so với những phụ nữ năng động hơn. Cuộc nghiên cứu trên 505 người đã cung cấp bằng chứng mới rằng việc ngồi quá lâu tác động đến khả năng kháng insulin và kích hoạt việc phóng thích các protein có liên quan đến chứng viêm ở phụ nữ.

Thiếu ngủ. Những người thường ngủ ít hơn 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng cao gấp đôi so với những người ngủ đủ, tức 7-8 tiếng mỗi ngày. Việc thiếu ngủ can thiệp vào đồng hồ sinh học của cơ thể và phóng thích các hormone stress vốn có thể làm mất khả năng ổn định lượng đường trong máu.

 
Thiếu ngủ hoặc mất ngủ sẽ làm gia tăng nguy cơ tiểu đường - Ảnh: Shutterstock

Thuốc hạ cholesterol. Những người dùng với liều cao các loại thuốc hạ cholesterol sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 12% so với những người cũng dùng thuốc trên nhưng với liều thấp hơn. Đây là kết quả thu được từ cuộc nghiên cứu trên 32.752 người của các chuyên gia thuộc Đại học Glasgow (Anh). Trước đó, một cuộc nghiên cứu ở Mỹ cho thấy phụ nữ thời kỳ hậu mãn kinh dùng thuốc giảm cholesterol có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn phụ nữ không dùng thuốc này.

Thụ tinh trong ống nghiệm. Việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Theo khuyến cáo của chuyên gia bệnh học Carmen Sapienza thuộc Trường Y Đại học Temple (Mỹ), những người được sinh bằng IVF nên được theo dõi để phát hiện sớm bệnh cao huyết áp, tiểu đường và một số loại bệnh ung thư khác trước tuổi 50. Trong khi IVF nhìn chung được xem là có thể cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, các bác sĩ đã phát hiện những thay đổi di truyền tinh vi vốn làm tăng nguy cơ mắc một số chứng bệnh sau này trong đời.

Ngoài ra, theo kết quả một cuộc nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Y tế cộng đồng Harvard (Mỹ), ăn cơm gạo trắng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường dạng 2. Cuộc nghiên cứu này dựa trên việc tổng hợp số liệu từ 4 cuộc nghiên cứu khác nhau được thực hiện trên 350.000 người Nhật Bản, Mỹ, Úc và Trung Quốc. Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu cho rằng, gạo trắng được xếp hạng cao về chỉ số đường huyết nên có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu; ngoài ra gạo trắng do ít chất xơ nên không có vai trò trong việc giảm nguy cơ bệnh tiểu đường. Nhưng xung quanh lập luận này cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ và phản bác, cho rằng cần phải tiến hành thêm nhiều cuộc nghiên cứu đáng tin cậy, để thẩm định việc có hay không sự liên quan giữa hạt gạo trắng và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Khánh Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.