Những vấn đề thường gặp khi thiếu rau củ

22/04/2018 05:01 GMT+7

Ăn rau củ thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp cao và một số loại ung thư. Chất xơ từ rau củ có tác dụng giảm cholesterol và tăng a xít folic trong máu.

Theo hướng dẫn chế độ ăn uống của Bộ Nông nghiệp Mỹ, bạn nên ăn từ 5 - 13 khẩu phần trái cây và rau củ/ngày, tương đương khoảng 2 chén rưỡi - 6 chén rưỡi mỗi ngày. Khi thiếu rau củ, bạn sẽ đối mặt với những vấn đề sức khỏe sau đây.
Lên cân. Các loại rau giàu chất xơ giúp bạn cảm thấy mau no. Hầu hết các loại rau có lượng calo thấp và ăn chúng sẽ hạn chế cơn đói, đồng thời giúp cung cấp dưỡng chất quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn không tăng lượng calo trong khi vẫn giữ được sức khỏe.
Cơ thể thiếu vitamin C nên dễ bị bầm tím, chảy máu lợi, yếu, mệt mỏi, phát ban và vết thương lâu lành. Lúc này, bạn tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin C như ớt đỏ, cải xoăn, rau xanh nhiều lá, bông cải xanh và cà chua, theo tạp chí Reader's Digest.
Nếu bị chẩn đoán mắc các vấn đề về tim mạch và không có tiền sử gia đình mắc bệnh này, đây có thể là dấu hiệu không bổ sung đủ rau củ vào chế độ ăn uống. Những người ăn ít rau củ quả thường dễ bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực…
Người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, có thể là do thiếu hụt folate hoặc a xít folic. Thiếu folate dẫn đến sự mệt mỏi và thiếu máu. Chất này còn thúc đẩy quá trình tổng hợp và sửa chữa ADN. Folate hoặc a xít folic là một loại vitamin B9 có trong các loại rau lá xanh đậm như cải bó xôi, đậu, măng tây, đậu lăng…
Đãng trí, mau quên cũng có thể là dấu hiệu của thiếu rau xanh do não không nhận đủ dưỡng chất. Lutein, dưỡng chất có tác dụng tăng cường trí nhớ và học tập, có trong cà rốt, rau lá xanh, bông cải xanh, bắp và cà chua, theo chuyên gia dinh dưỡng Abby Sauer thuộc Hãng Abbott. Loại rau này cũng giúp ngừa bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng - hai chứng bệnh về mắt thường gặp.
Bị cảm lạnh song lâu lành. Thiếu rau củ trong chế độ ăn uống khiến cơ thể không đủ khả năng sản sinh chất chống lại vi khuẩn và vi rút. Ăn rau xanh giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ cung cấp chất chống ô xy hóa, vitamin C và chất sắt, theo chuyên gia dinh dưỡng Sauer.
Thiếu rau xanh khiến bạn dễ mất khả năng kiểm soát căng thẳng hằng ngày. Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với tình trạng căng thẳng và nếu bạn không đối phó căng thẳng tốt, chứng viêm xảy ra, gây hại cho cơ thể. Ăn các loại thực phẩm kháng viêm như cá hồi, cá ngừ, ớt tươi, cà chua, dầu ô liu, rau xanh, hạt, dâu tây, quả việt quất, quả anh đào và cam có tác dụng kháng viêm.
Bạn dễ bị chuột rút. Chuyên gia Emily Rubin thuộc Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson (Mỹ) cho biết rau củ chứa kali giúp ngăn ngừa chứng chuột rút, đặc biệt là khi bạn đang tập thể dục. Kali còn giảm cao huyết áp, rối loạn tim thận, lo lắng và căng thẳng. Bổ sung kali cũng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và kích thích trao đổi chất. Những loại rau giàu kali là chuối, cải bó xôi, khoai lang, bông cải xanh, quả óc chó, khoai tây, cải xoăn, nấm, bí đỏ…
Nếu bạn thường xuyên bị các vấn đề về tiêu hóa và đầy hơi thì đây là dấu hiệu rõ ràng về việc không ăn rau củ. Chất xơ trong rau kích thích tiêu hóa, giúp duy trì nhu động ruột.
Nhiễm trùng thường xuyên là dấu hiệu của hệ miễn dịch suy yếu, suy dinh dưỡng cũng như không ăn đủ rau. Không bổ sung dưỡng chất thích hợp, hệ miễn dịch suy yếu nên không có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm và cơ thể cũng nhanh chóng mất khả năng tự vệ khỏi bị nhiễm trùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.