Những thành tựu lớn của y tế TP.HCM

11/12/2005 22:49 GMT+7

Sáng ngày 10/12, tại hội trường dinh Thống Nhất (TP.HCM), đông đảo chuyên gia ngành y, các vị lão thành cách mạng, các bà mẹ VN anh hùng... đã có cuộc hội ngộ lớn để nhìn lại những thành tựu khoa học kỹ thuật của ngành y tế TP.HCM trong 30 năm qua.

Hẳn mọi người còn nhớ, năm 1988, lần đầu tiên ca phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh Việt - Đức diễn ra tại TP.HCM đã làm rạng danh nền y học nước nhà, gây sự chú ý đối với giới y học thế giới. Những năm sau đó, một thành tựu nổi bật khác của y học VN cũng đã diễn ra tại TP.HCM và làm xôn xao dư luận. Đó là việc ứng dụng, phát triển điều trị vô sinh bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ. Đến nay đã có gần 2.000 em bé ra đời từ TTTON tại BV phụ sản này. Ở "khu vực" tim mạch, sự ra đời của Viện Tim TP.HCM vào thập niên 90 đã mở ra khả năng phẫu thuật tim hở cho cả nước, đem lại hy vọng cho hàng ngàn người bệnh. Tất cả các bệnh nhân tim bẩm sinh, sửa và thay van hai lá, van động mạch chủ... đều là "khách hàng" của Viện Tim và đến nay, số người được điều trị thành công đã lên đến hơn hai vạn.

Đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng phương pháp mới trong điều trị thì phải kể đến công trình phá thai nội khoa của BV Hùng Vương. Chính những lợi ích của phương pháp này đem lại cho người bệnh và Bộ Y tế đã đưa phá thai nội khoa vào "Chuẩn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản". Ngoài ra, BV Hùng Vương còn "sản sinh" ra phương pháp đẻ không đau đang được triển khai rộng rãi tại các BV sản phụ khoa...

Viện sĩ - tiến sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM có một so sánh rất sát về chặng đường 30 năm của ngành y tế TP.HCM. Ông nói: "Nếu như tỷ suất chết ở trẻ sơ sinh trên 70 phần ngàn vào năm 1976 thì nay chỉ còn 8,3 phần ngàn; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cũng giảm rõ rệt (47% vào năm 1976 xuống còn 10% hiện nay). Từ nhiều năm nay, không còn dịch hạch trên người; bệnh bại liệt do vi-rút hoang dại không còn xuất hiện ở trẻ em; bệnh sốt xuất huyết không còn gây tử vong như trước; bệnh sốt rét, thương hàn, sởi thì giảm đáng kể...".

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ hôm 10.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến cũng nhìn nhận: "Trong 30 năm qua, ngành y tế TP.HCM luôn là đơn vị đi đầu cả nước trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển những kỹ thuật mới, những sáng kiến mới trong chẩn đoán và điều trị, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh".

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.