Những nguyên nhân thường làm đầu óc choáng váng

07/03/2017 16:27 GMT+7

Nhịp tim bất thường, biến đổi huyết áp hay đói bụng là một trong những lý do phổ biến khiến bạn choáng váng. Tuy nhiên vẫn có một số tác nhân khác mà bạn cần biết để đề phòng, theo Women’s Health .

Mất nước
Choáng váng hoặc thậm chí ngất xỉu vì cơ thể mất nước là trạng thái thường gặp, đặc biệt là vào mùa hè. Nhiệt độ cao ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khiến cơ thể đổ mồ hôi, huyết áp giảm. Khi bạn cảm thấy đầu óc quay cuồng vì mất nước do nhiệt, hãy từ từ nằm xuống và bổ sung nước sẽ nhanh chóng cảm thấy đỡ hơn.
Gặp chuyện bất ngờ
Bất ngờ do bị hù dọa hoặc nghe tin tức sốc sẽ gây phản ứng kích hoạt đến hệ thống thần kinh, huyết áp sẽ giảm đột ngột nên sẽ làm bạn cảm thấy choáng váng, trong vài trường hợp có thể cảm thấy buồn nôn.
Đứng dậy đột ngột
Bạn sẽ cảm thấy một cơn đau đầu nhẹ thậm chí xuất hiện đốm đen trong tầm nhìn nếu đứng dậy quá nhanh và đột ngột. Tuy đây là hiện tượng không đáng lo ngại, nhưng nếu nó xảy ra nhiều lần hoặc kéo dài sau hơn một vài phút thì bạn nên lưu ý để kiểm tra sức khỏe.
Rối loạn nhịp tim
Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu đến não. Đa số các trường hợp nhẹ bạn sẽ thấy choáng váng, nhưng nặng hơn có thể dẫn tới đột tử.
Ảnh hưởng bởi thuốc
Thuốc giảm đau, thuốc an thần là nguyên nhân gây hiện tượng chóng mặt, đầu óc lâng lâng. Nguyên nhân là do các loại thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động của não, làm chậm nhịp tim, giãn nở mạch máu và hạ huyết áp.
Cảnh báo đột quỵ
Một cơn choáng váng trở nên hết sức nguy kịch nếu đi kèm với các hiện tượng như yếu cơ, khó nói, tê và ngứa ran khắp người. Gặp trường hợp này bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức vì đó có thể là lời cảnh báo đột quỵ thiếu máu cục bộ do cục máu đông trong não.
Bỏ bữa trưa
Bỏ bữa trưa khiến lượng đường trong máu thấp, dẫn tới choáng váng. Nếu thỉnh thoảng bỏ bữa thì bạn sẽ không cảm thấy đau đầu. Nhưng bỏ bữa thường xuyên, cộng thêm lịch sử tiểu đường sẽ khiến tình trạng trở nên nguy hiểm, có thể co giật, ngất xỉu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.