Những lưu ý khi sử dụng thuốc từ thảo dược

27/09/2017 16:21 GMT+7

Nhiều dược liệu và thuốc đông dược quảng cáo trên mạng xã hội có tác dụng điều trị hoặc bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên người dùng cần kiểm tra nguồn gốc để đảm bảo sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Theo thông tin từ Trung tâm dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian qua tại đây đã tiếp nhận điều trị các trường hợp dị ứng nặng sau khi sử dụng thuốc nam và thuốc tễ không rõ nguồn gốc, thuốc của các ông lang bà mế chưa được cấp phép hành nghề. Tại Trung tâm chống độc và khoa Nhi của bệnh viện cũng tiếp nhận các bệnh nhi nhập viện do ngộ độc chì. Kim loại này được tìm thấy trong “thuốc cam” không rõ nguồn gốc do các gia đình tự mua cho con uống.
Theo TS-BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cũng có nhiều trường hợp bị dị ứng do tự dùng thuốc phải nhập viện. Phần lớn các trường hợp có biểu hiện sẩn ngứa và mề đay (mày đay). Tuy nhiên, có những trường hợp biểu hiện ngoài da của dị ứng nặng nề hơn như: nổi bóng nước, hoại tử thượng bì da, loét các hốc tự nhiên và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như gan, thận…, cho dù số này không nhiều.
Các chuyên gia cũng lưu ý, ngay cả thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm có nguồn gốc thảo dược cũng không tuyệt đối an toàn, có thể gây dị ứng. Nguy cơ này phụ thuộc cơ địa mỗi người. Để giảm thiểu thấp nhất các tác dụng không mong muốn người dùng không tùy tiện mua dược liệu, không mua các sản phẩm được quảng bá có nguồn gốc thảo dược nguồn gốc không rõ ràng; cần sử dụng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, được cấp phép của Bộ Y tế.
Lưu ý thông tin trên bao bì
Các sản phẩm thuốc cần được ghi nhãn rõ ràng, đầy đủ
Các sản phẩm thuốc cần được ghi nhãn rõ ràng, đầy đủ Ngọc Thắng
Theo TS Trần Thị Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y Dược (Bộ Y tế), các năm qua, cơ quan quản lý từng phát hiện dược liệu bị làm giả, bị nhầm loài; một số mẫu thuốc đông dược trôi nổi qua xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư phát hiện bị lén bỏ tân dược. Tình trạng này đã giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn cần tiếp tục được chấn chỉnh.
TS Phương cho hay các thuốc đông dược được sản xuất thành các dạng viên nang, viên tễ dù được cung ứng trong bệnh viện hay bán tại các nhà thuốc, người sử dụng cần kiểm tra kỹ số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Các chữ, số phải in rõ nét, không tẩy xóa. “Thuốc đông dược (sản xuất từ dược liệu) khi lưu hành bắt buộc phải có số đăng ký của Bộ Y tế cấp, những thuốc đông dược mà không có số đăng ký thì không sử dụng”, PGS-TS Trần Hồng Phương, Bộ Y tế lưu ý.
Cũng theo TS Hồng Phương, trong bệnh viện, để kiểm soát chất lượng dược liệu sử dụng cho điều trị, các bệnh viện thường có tổ kiểm nhập. Tổ này có nhiệm vụ nhận biết kiểm soát chất lượng dược liệu và vị thuốc bằng cảm quan, trong quá trình kiểm tra phải đối chiếu với tiêu chuẩn của dược liệu có trong dược điển Việt Nam, hoặc qua mẫu dược liệu chuẩn.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho hay các Cục, Vụ và các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã liên tục có các bài viết, thông tin đến các cơ quan truyền thông khuyến cáo về những nguy cơ do sử dụng thuốc không an toàn hợp lý để cộng đồng tránh các tác dụng không mong muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.