Những khuyến cáo cho người nuôi chuột kiểng

Duy Tính
Duy Tính
24/01/2020 05:09 GMT+7

Tết Canh Tý 2020 đang đến gần, chúng ta cần biết chuột gây ra những bệnh gì để có kế hoạch phòng ngừa nó.

Chuột là động vật sống rất gần với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của con người nhưng lại là động vật gây hại hàng đầu đối với chúng ta, đồng thời cũng là ổ chứa của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Dịch hạch nhiễm từ ký sinh trùng

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phụ trách Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết phổ biến nhất là những bệnh truyền nhiễm do côn trùng sống ký sinh trên chuột đốt người và truyền vi khuẩn qua người. Đứng đầu là bệnh dịch hạch.

Với chuột kiểng, cần rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi với chúng

Ảnh: Duy Tính

Theo bác sĩ Quang, dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh gây ra do người bệnh bị đốt bởi bọ chét ký sinh trên chuột nhiễm vi khuẩn dịch hạch.
“Căn bệnh đã từng gây nhiều trận dịch bệnh kinh hoàng trong lịch sử nhân loại trên thế giới. Ở nước ta, ca bệnh cuối cùng ghi nhận năm 2002. Từ 2003 đến nay không có ca trên người. Tuy nhiên bệnh vẫn ghi nhận rải rác ở một số nơi trên thế giới”, bác sĩ Quang nói.

Chuột gây ra nhiều bệnh khác

Ve, mạt, mò sống ký sinh trên chuột cũng có thể gây bệnh sốt mò, sốt Q, sốt hồi quy trên người.
Ngoài ra, chuột còn có thể lây truyền bệnh cho người trực tiếp qua phân, nước tiểu, nước bọt. Hầu hết mầm bệnh được thải ra ngoài qua phân, nước tiểu, nước bọt của chuột nhiễm bệnh. Người bị nhiễm do da bị trầy xước hoặc niêm mạc tiếp xúc nước, đất ẩm, cây cối, đồ vật nhiễm chất thải của động vật mang bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, phân của chuột mang bệnh.
Điển hình là bệnh do xoắn khuẩn vàng da (Leptospirose), là bệnh thường gặp trong những năm gần đây. Bệnh cảnh phổ biến là sốt và vàng da, tuy nhiên, hầu hết bệnh ở thể nhẹ, sốt có thể không có vàng da, nhưng cũng có những trường hợp nặng, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh gây ra do người bệnh tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm nước tiểu của chuột bệnh, xoắn khuẩn chui qua lỗ chân lông xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Nước tiểu, nước bọt của chuột bệnh cũng có thể gây nhiễm cho người khi bị hít phải. Đó là trường hợp của bệnh do Hantavirus. Bệnh cũng có thể do chuột cắn và truyền qua người. Đây là bệnh do nhiễm vi rút Hantanvirus gây ra bệnh cảnh sốt xuất huyết hội chứng thận và sốt xuất huyết hội chứng phổi, có thể gây tử vong. Bệnh xuất hiện rải rác ở nước ta.
Ngoài ra, bệnh lây truyền khi chuột cắn như sốt do chuột cắn hiếm gặp hơn, đặc trưng theo từng vùng khác nhau trên thế giới. Phần lớn các bệnh nhân có biểu hiện các triệu chứng mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông thường, nhưng nó có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
Chuột cũng là loài động vật có thể lây truyền bệnh dạ, tuy vậy chuột nhiễm bệnh dại thường bị giết chết trước vì vết cắn từ động vật dại. Vì vậy chuột mắc bệnh dại cắn người rất hiếm và hầu như không ghi nhận, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, vết thương do chuột cắn có thể là cửa ngõ cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh uốn ván đối với những người không miễn dịch phòng uốn ván.

Có vắc xin phòng bệnh lây từ chuột không?

Theo bác sĩ Quang, các bệnh lây truyền từ chuột chưa có vắc xin phòng bệnh. Còn các bệnh do vi khuẩn có thể điều trị bằng kháng sinh như dịch hạch, sốt mò, xoắn khuẩn vàng da. Còn bệnh do vi rút như Hantanvirus thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
“Hiện nay nhiều gia đình nuôi chuột cảnh như thú nuôi trong nhà. Những con chuột cảnh này có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh từ chuột hoang dã khi chúng tiếp xúc trực tiếp hoặc qua chất thải của chúng (phân, nước tiểu), từ đó là ổ chứa lây bệnh cho chính chủ nuôi của chúng”, bác sĩ Quang nói.
Vì vậy, để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên cho người, bác sĩ Quang cho rằng cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, phát hiện nơi sinh sản, trú ẩn của chúng, hạn chế tiếp xúc với chuột và chất thải của chuột. Đối với vật trung gian truyền bệnh như ve, mạt, bọ chét…. cần tiêu diệt, và tránh để côn trùng đốt người. Cần chăm sóc y tế đúng cách sau khi bị vết thương do chuột gây ra.
 
Khuyến cáo khi nuôi chuột kiểng
Nên rửa tay ngay sau khi làm việc hoặc chơi với động vật: Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy sau khi tiếp xúc với vật nuôi, lồng nuôi, nước tiểu hoặc phân của vật nuôi (đối với trẻ em cần nhắc nhở và chắc chắn bé rửa tay). Tránh bị vật nuôi cắn và làm trầy xước vì vết cắn có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Hãy cẩn thận với những con vật lạ. Cho vật nuôi thăm khám định kỳ với bác sĩ thú y để giữ cho vật nuôi khỏe mạnh và để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm cho chúng.
Nếu người nuôi chuột bị bệnh ngay sau khi mua hoặc nhận nuôi nó thì hãy đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Lưu ý rằng các động vật có vú nhỏ ở tình trạng khỏe mạnh vẫn có thể truyền mầm bệnh cho người và các động vật khác.
Phải làm gì nếu bị động vật có vú nhỏ cắn? Nhiều loại vi trùng có thể lây lan từ vết cắn của động vật, ngay cả khi vết thương không quá nghiêm trọng. Nếu vết cắn từ động vật có vú nhỏ làm rách hay xước da thì nên: rửa vết thương bằng nước xà phòng ấm ngay lập tức; đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị.
Bác sĩ Lương Chấn Quang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.