Những căn bệnh do stress

05/01/2017 07:41 GMT+7

Stress có thể gây thiệt hại đáng kể cho sức khỏe, gây nhức đầu, mất ngủ, thậm chí đẩy hệ tiêu hóa vào tình trạng trục trặc thường xuyên.

Hội chứng ruột bị kích thích
Hội chứng ruột bị kích thích (IBS) là một trong những hậu quả do stress mang lại. Chỉ tính riêng tại Anh, IBS xảy ra cho khoảng 13 triệu người, còn Mỹ là 45 triệu. 70% số bác sĩ được hỏi thừa nhận đây là rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất trong các bệnh nhân, với triệu chứng thay đổi theo từng trường hợp. Tuy nhiên, nhìn chung IBS có thể bao gồm các cơn đau quặn bụng hoặc bụng bị khó chịu, kèm theo tiêu chảy hoặc táo bón, và bụng thường xuyên bị trướng.
Heath.com dẫn lời bác sĩ gia đình Roger Henderson cho hay mối liên kết phức tạp giữa bộ não và hệ tiêu hóa chính là nguyên nhân tại sao tâm trạng lại ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Nếu xác định được stress là lý do đằng sau những cơn đau bụng, nên tìm cách ổn định tinh thần bằng cách thử chơi môn thể thao thích hợp, hoặc học các phương pháp thở để bình tĩnh lại. Trò chuyện với người khác cũng là một phương pháp tốt để giải tỏa, hoặc tụ tập bạn bè và thả lỏng tâm trí.
Tháo mồ hôi
Giới khoa học đưa ra nhiều giả thuyết nhằm giải thích tại sao con người đổ mồ hôi dầm dề khi bị stress. Họ phát hiện đổ mồ hôi do thời tiết nóng bức hoặc hoạt động thể chất được thải ra bằng tuyến mồ hôi ngoại tiết, trong khi áp lực stress chủ yếu tác động đến những tuyến nằm ở nách, xung quanh nhũ hoa, đáy chậu, trong lỗ tai. Bác sĩ Henderson cho hay nhóm tuyến thứ hai tập trung ở những vùng có nang lông, tiết ra mồ hôi đặc hơn chứa protein và lipid. Khi cơ thể trong trạng thái stress, nhóm tuyến này sẽ được kích hoạt.
Nghiến răng
Kết quả nghiên cứu đã xác lập mối liên hệ giữa stress và hành động nghiến răng.
70% số người Anh thừa nhận nhưng lại ít lưu ý đến triệu chứng này do thường diễn ra trong lúc ngủ. Hành động nghiến răng có thể dẫn đến nguy cơ răng lung lay, bị nứt hoặc hư răng. Bác sĩ Henderson khuyên nếu nghi ngờ mắc tật xấu trên, cần đến ngay nha sĩ để xác định rõ mức độ nghiêm trọng của sự việc. Nha sĩ có thể đề xuất một số biện pháp như lắp miếng bảo vệ cho răng để tránh men bị bào mòn và giảm tình trạng khó chịu cho cơ hàm.
Rụng tóc
Bị stress trong thời gian dài có thể dẫn đến tóc rụng. Theo kết quả nghiên cứu, các hormone gây stress đẩy nang tóc vào tình trạng “ngủ đông”, khiến tóc rụng từng đợt mỗi khi gội hoặc chải đầu. Cách tốt nhất khi bị rụng tóc hàng loạt là đến tham vấn bác sĩ để đưa ra kết luận chính xác. Nếu nguyên nhân do stress, bệnh nhân cần điều chỉnh lại tâm trạng bằng cách hoạt động thể chất lẫn thư giãn về tinh thần. Phải mất vài tháng kể từ khi tâm trạng được ổn định để tóc mọc lại theo chu kỳ tự nhiên.
Mất ngủ
Stress và những đêm không ngủ thường xuyên đi đôi với nhau. Trong đa số các trường hợp mất ngủ, việc giảm stress có thể giải quyết được tình trạng khó ngủ, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các hormone do stress gây ra đẩy cơ thể vào tình trạng bị kích thích quá mức, làm gián đoạn sự cân bằng giữa hai trạng thái ngủ - thức. Giới bác sĩ khuyên nên thực hiện một số động tác chuẩn bị cho cơ thể trước khi ngủ, bao gồm tránh nhìn vào mọi màn hình ít nhất 2 giờ trước khi ngủ, lên giường đúng giờ mỗi ngày và thức dậy vào giờ cố định. Tập luyện thể chất mỗi ngày cũng làm giảm các triệu chứng bồn chồn, lo âu và trầm cảm, từ đó hỗ trợ giấc ngủ. Chú trọng cân bằng trong dinh dưỡng và tránh thức uống chứa caffeine và cồn.
Mệt mỏi
Mệt mỏi là cảm giác thường trực ở người bị stress, là hậu quả của tình trạng mất ngủ. Tổ chức Sức khỏe tinh thần cho biết gần 1/3 số người Anh thiếu ngủ, hầu hết vì lo lắng trước gánh nặng tài chính và công việc. Do vậy, điều quan trọng là xác định cội nguồn gây stress và có biện pháp giải quyết một cách hiệu quả. Nếu không chắc chắn nguyên nhân bị stress, có thể nhờ cậy sự hỗ trợ của bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.