Nhiều ca bệnh khó, lạ được bác sĩ Việt Nam chữa trị thành công

24/02/2017 09:55 GMT+7

Gần đây, nhiều ca bệnh khó, lạ được các bác sĩ chữa trị thành công, cứu sống kịp thời tại các bệnh viện.

Nguy kịch do “trái tim tan vỡ”
Vừa qua, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM tiếp nhận nữ bệnh nhân H.T.Q.P (45 tuổi, ở An Giang) trong trình trạng hôn mê, suy hô hấp. Gia đình cho biết bà P. có tiền sử bị mất ngủ kéo dài, thần kinh suy nhược, buồn chuyện gia đình, buồn bệnh tật không khỏi. Bà đã đi 4 - 5 BV, uống rất nhiều thuốc nhưng không khỏi, khiến bà càng buồn hơn và phải thường xuyên phải sử dụng thuốc an thần để ngủ. Trước nhập viện, gia đình phát hiện bà P. ngủ, bên cạnh có 7 viên thuốc ngủ đã được bóc vỏ, đưa vào BV đa khoa An Giang cấp cứu, rồi chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết sau một ngày điều trị, bệnh nhân có hiện tượng hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, phổi xuất hiện nhiều nang ẩm, trào bọt màu hồng qua ống nội khí quản… Bác sĩ xác định đây là triệu chứng điển hình của bệnh cơ tim do stress có tên Takotsubo hay còn gọi là “Hội chứng Trái tim tan vỡ”. Hội chứng này diễn biến cấp tính nhưng may mắn là cơ hội hồi phục cao, qua khỏi giai đoạn stress trái tim người bệnh có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát của hội chứng khoảng 10%.
Để cứu bệnh nhân cần cho trái tim nghỉ ngơi hoàn toàn một thời gian và dùng thuốc an thần chờ tim hồi phục. BV đã cho bệnh nhân sử dụng phương pháp CMO (trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể). Sau 4 ngày dùng ECMO, tim bệnh nhân ổn định, tinh thần ổn. Theo bác sĩ, nếu không làm ECMO thì bà P. có nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân bị hội chứng "Trái tim tan vỡ" Ảnh: Duy Tính
“Hội chứng Trái tim tan vỡ” được phát hiện vào những năm 1990 từ Nhật Bản, thường gặp chủ yếu ở nữ (90%) và 65% liên quan đến tâm lý, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh, khi người bệnh bị một cú sốc hay stress lớn, trầm cảm, tình yêu tan vỡ hay vui quá độ… Do stress nên cơ thể phóng thích nhiều các chất kích thích làm cơ tim hoạt động quá mức gây phì đại vùng thất trái tim, dẫn đến suy giảm chức năng tim nhanh chóng và có thể tử vong rất nhanh.
Cứu bệnh nhân thoát mù
Còn chưa đầy 1 tuần chàng thanh niên cưới vợ thì bỗng nhiên bị mù. Đó là trường hợp bệnh nhân Đ.V.P (32 tuổi, quê Cà Mau) đi khám mắt và được chuyển đến BV Tai mũi họng TP.HCM trong tình trạng mắt chỉ còn thấy lờ mờ hồi cuối tháng 12.2016.
P. cho biết mắt trái bị giảm thị lực gần một năm nhưng không đi điều trị. 6 ngày trước khi nhập viện thì đột ngột mắt này nhìn mờ hẳn. Bác sĩ xác định P. có khối u nhầy vùng sàng sau tủy xương chèn ép thần kinh thị giác, gây mù mắt.
“Đây là trường hợp bệnh nhân khá hy hữu u nhầy sàng sau chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5%, thường nằm ẩn sâu bên trong nên nội soi mũi xoang cũng không thể phát hiện được, nếu bác sĩ khám không có kinh nghiệm thì rất dễ bỏ sót”, bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Khoa Mũi xoang BV Tai mũi họng TP.HCM cho biết. Bác sĩ phẫu thuật dẫn lưu khối u nhầy; một ngày sau phẫu thuật mắt bệnh nhân đã nhìn thấy bình thường. Theo bác sĩ Hớn, may mắn là bệnh nhân đã đến BV kịp thời và được cứu thoát khỏi cảnh mù, vì trước đó có trường hợp tương tự nhưng đến BV trễ nên bị mù vĩnh viễn.
Những ca bệnh khó, lạ 2
Bệnh nhân cao tuổi sau khi thay khớp háng tại BV Nhân dân 115 Ảnh: BSCC
Và những trường hợp hiếm, khó…
Trước đó, các bác sĩ BV Đại học Y Dược TP.HCM đã phẫu thuật nội soi, lấy thành công dị vật nằm 45 năm trong tim bệnh nhân M.T.T (59 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Theo các bác sĩ, trong y văn chưa ghi nhận một trường hợp nào tương tự như vậy. Khi siêu âm tim bác sĩ thấy bệnh nhân T. bị hở van 3 lá rất nặng, tim phải giãn lớn, có chỉ định phẫu thuật sửa van 3 lá. Tuy nhiên, khi xem phim X-quang ngực thẳng và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện trong tim bệnh nhân có một mảnh dị vật (trước đây bệnh nhân từng đạp phải mìn). PGS-TS Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch quyết định phẫu thuật nội soi tim để sửa van 3 lá và lấy dị vật, kết quả thành công, lấy ra dị vật ghim trong nhĩ phải, nằm sát đường đi của động mạch vành phải.


Cuối năm 2016, tại TP.HCM, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình điều trị dị tật của Pháp cùng bác sĩ BV FV (TP.HCM) đã phẫu thuật thành công lấy ngón trỏ của bệnh nhi P.H.V.T (nam, 2 tuổi, quê Hà Nội) làm ngón cái (bé bị thiếu ngón cái bàn tay phải). Bác sĩ đã tháo ngón trỏ ra khỏi vị trí rồi xoay hướng lại và đặt vào vị trí ngón cái như bình thường. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công. Mục đích chuyển ghép ngón tay là để giúp bé cầm nắm đồ vật được.
Đầu năm 2017, BV Nhân dân 115 (TP.HCM) phẫu thuật thay khớp háng cho cụ bà T.T.H (102 tuổi, Q.3). Cụ bà bị gãy cổ xương đùi bên trái phức tạp, gãy nhiều mảnh, di lệch lớn ở cổ xương đùi gây choáng mất máu và đau đớn. Sau khi thay khớp háng nhân tạo thì chất lượng sống của cụ bà tốt lên. Trước đó, BV này cũng phẫu thuật thay khớp háng cho cụ bà N.T.T, 103 tuổi (ngụ Q.4). TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, BV đã xây dựng quy trình mổ thay khớp háng cho bệnh nhân cao tuổi và đã phẫu thuật thành công, cứu sống cho hàng trăm bệnh nhân trên 90 tuổi. Những bệnh nhân già yếu, lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi thường rất đau đớn khi di chuyển và có các biến chứng do nằm dài ngày nếu không được phẫu thuật sớm và sẽ gây nên tình trạng lở loét, nhiễm trùng, viêm phổi, suy kiệt và có thể tử vong.

tin liên quan

Thủng mạch máu trên mặt cả năm mới được phát hiện
Ngày 20.2, bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết BV đã tiếp nhận bệnh nhân Trương Bá Linh (27 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) trong tình trạng chảy máu mũi lượng nhiều.

Cứu kịp thời bệnh nhân người Nhật Bản
Năm 2016, BV Đại học Y Dược TP.HCM chữa trị, cứu sống kịp thời bệnh nhân người Nhật, 43 tuổi bị biến chứng hiếm gặp của hội chứng động mạch chủ cấp bằng kỹ thuật Hydrid. Bệnh nhân này vào viện trong tình trạng bị yếu hai chân, bí tiểu, trước đó người bệnh đã bị đau lưng dữ dội. Sau khi thăm khám, phân tích kết quả chụp MSCT và hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, các bác sĩ khoa phẫu thuật tim mạch kết luận đây là một trường hợp bóc tách động mạch chủ ngực cấp với lỗ vào ngay sau chỗ chia động mạch dưới đòn trái kèm huyết khối nội thành toàn bộ động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng, biến chứng nhồi máu tủy gây liệt 2 chi dưới trung ương cấp tính.
Theo bác sĩ, đây là biến chứng hiếm gặp nhưng khá nặng của hội chứng động mạch chủ cấp, nếu để càng lâu, khả năng phục hồi càng thấp. Ngay lập tức, bác sĩ khoa phẫu thuật tim mạch của BV đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc BV và liên hệ với thân nhân người bệnh tại Nhật để thực hiện can thiệp cấp cứu ngay trong đêm bằng kỹ thuật Hybrid (phối hợp phẫu thuật và can thiệp nội mạch). Sau 6 giờ phẫu thuật và can thiệp mạch máu, người bệnh đã qua cơn nguy cấp và phục hồi ngoạn mục, sức cơ hai chân cải thiện nhiều, chỉ còn yếu nhẹ, bệnh nhân tiêu tiểu tự chủ được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.