Nhiễm khuẩn liên cầu lợn lan rộng

29/09/2010 09:19 GMT+7

TPHCM đã ghi nhận có 9 ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn, chủ yếu tập trung trong hai tháng 8 và 9.

Gần đây, số ca do nhiễm khuẩn liên cầu lợn tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc tăng rất nhanh. Thống kê từ tháng 4 đến nay của Bệnh viện Trung ương Huế đã có 10 ca tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn và riêng trong tháng 8, ghi nhận 12 ca mắc mới.

Hôn mê, sốt cao
 
Tại TPHCM, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết đã ghi nhận có 9 ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn, chủ yếu tập trung trong hai tháng 8 và 9. Riêng trong tuần qua, Khoa Nhiễm Việt-Anh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đã tiếp nhận 2 ca.
 
Một ca là bệnh nhân K.V.T (54 tuổi, ngụ quận Bình Tân), làm nghề sơ chế mỗi ngày vài chục ký thịt lợn rồi bỏ mối cho các quán ăn. Ông T. vào viện trong tình trạng hôn mê, sốt cao suy đa cơ quan thận, gan và nổi ban xuất huyết toàn thân... Bệnh viện đã điều trị rất tích cực nhưng trên cơ thể ông T. hiện vẫn còn những mảng da hoại tử khó lành. 
 
Một ca khác nữa thì vào điều trị trong tình trạng vật vã, đau bụng dữ dội, sốt cao, nhức đầu... Trước khi vào viện, bệnh nhân ăn dồi trường heo luộc chưa chín hẳn và cháo huyết hậu.
 
Theo bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên bộ môn nhiễm của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, triệu chứng biểu hiện ở 2 bệnh nhân nói trên là những triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Thời điểm này là mùa cao điểm nhiễm khuẩn liên cầu lợn các tỉnh miền Trung, miền Bắc nhưng ở phía Nam thì không rõ ràng

80% bệnh nhân là nam giới

Nhiều nghiên cứu cho thấy tại châu Á nói chung và VN nói riêng, chỉ 40% trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn được xác định do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang mầm bệnh, 60% còn lại không xác định được con đường nhiễm. Bệnh nhân mắc đa số ở độ tuổi từ 40-60, trong đó 80% là nam giới. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với lợn, chăn nuôi, giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn. Người nội trợ cũng có nguy cơ do tiếp xúc với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn trong quá trình nấu nướng, chế biến hằng ngày.


 
Di chứng nặng nề

 
Tiến sĩ Nguyễn Hoan Phú, Phó Khoa Nhiễm Việt-Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), cho biết bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn là do vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập cơ thể qua các vết đứt, trầy xước trên da, vết thương, niêm mạc chân răng bị lở. 
 
Bình thường loại vi khuẩn này có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục lợn. Khi lợn mắc bệnh, nhất là bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy giảm nên loại vi khuẩn này có cơ hội phát triển mạnh.
 
Bác sĩ Nghĩa cũng nói rõ thêm rằng nhiễm khuẩn liên cầu lợn là bệnh lây từ súc vật sang người, không lây từ người sang người. Triệu chứng dễ gặp nhất của bệnh là sốt cao, nhức đầu, nôn ói, sảng, hôn mê.
 
Đây là bệnh nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời thì người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề (60% ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục). Ở miền Nam, 95%-98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường bị viêm màng não.
 
Để phòng bệnh thì những người chăn nuôi, giết mổ lợn nên sử dụng bảo hộ lao động. Trong chế biến thịt lợn nên nấu chín kỹ; tránh ăn tiết canh, huyết hậu, huyết xào, dồi trường hấp tái...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.