Nhận biết đột quỵ và sốc nhiệt

24/04/2019 13:18 GMT+7

Có thể giống nhau về một số biểu hiện và cùng bị tác động bởi nắng nóng, nhưng đột quỵ và sốc nhiệt cần được xử trí khác nhau.

Nắng nóng “ kích hoạt” các nguy cơ gây đột quỵ

PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân nhập viện cấp cứu do đột quy trong những ngày nắng nóng đầu mùa hè tại Bệnh viện Bạch Mai tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca, liên tục cấp cứu 24/24 giờ.
Cũng theo bác sĩ Chi, bệnh nhân cấp cứu do sốc nhiệt và đột quỵ không chỉ có người cao tuổi mà còn có nhiều thanh niên. Đáng chú ý là do nắng nóng, một bác sĩ trẻ mới đây ở Hà Nội bị đột quỵ và nhanh chóng rơi vào hôn mê khi đang đá bóng. Bệnh nhân được kết luận nguyên nhân do là phình, vỡ mạch não.
"Nắng nóng không là nguyên nhân trực tiếp gây đột  quỵ, nhưng nó có vai trò đánh thức các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khiến bệnh nhân có thể bị đột quỵ”, bác sĩ Chi cho hay, và lưu ý: người mắc đái tháo đường; tăng mỡ máu với bệnh nhân có bệnh lý mạch máu, tăng huyết áp là những yếu tố khá mật thiết với nguy cơ gây đột quỵ.
"Nắng nóng, mệt mỏi khiến người mang sẵn các yếu tố nguy cơ dễ mất kiểm soát, dẫn đến đột quỵ, trong đó có thể xảy ra đột quỵ chảy máu xuất huyết, hoặc đột quỵ nhồi máu não. Nếu không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, cộng với tác động bất lợi của thời tiết, sẽ tương tự như một “cú đánh” khiến bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, với người lơ là kiểm soát mỡ máu, kiểm soát chỉ số huyết áp, khi đã được chỉ định dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thì rất dễ đột quỵ khi thời tiết bất thường", bác sĩ Chi khuyến cáo.
Bệnh nhân sốc nhiệt cần được cấp cứu kịp thời Ảnh Liên Châu

Nhận biết đột quỵ và sốc nhiệt 

Các bác sĩ lưu ý, các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.
Trong khi đó, người bị sốc nhiệt do nắng nóng cũng có thể bị kích thích, lẫn lộn nhưng thân nhiệt tăng cao 39 - 40 độ, và trường hợp này, thuốc giảm sốt không có tác dụng. Sốc nhiệt thường xảy ra khi di chuyển dưới trời nắng nóng, làm việc lâu dưới nóng nắng.
Để sơ cứu bệnh nhân đột quỵ cần đặt nằm nghiêng, đầu kê cao hơn. Tư thế này nếu bệnh nhân bị nôn sẽ không bị hít vào đường thở gây sặc. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống viên an cung, nhằm tránh nghẹt đường thở, vì an cung không có trong danh mục thuốc cấp cứu đột quỵ .
Để sơ cứu bệnh nhân sốc nhiệt, cần khẩn trương nới rộng quần áo, đặt nằm tại nơi thoáng mát; cho nạn nhân uống nước nếu có phản xạ nuốt, tránh không gây sặc; phủ khăn mát hay vẩy nước mát lên người và nhanh chóng liên hệ xe cấp cứu hoặc vận chuyển an toàn đến cơ sở y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.