Nguy kịch do sốc phản vệ vì ăn trứng kiến

03/04/2019 15:07 GMT+7

Khoảng 1 giờ sau ăn trứng kiến, bệnh nhân nữ 58 tuổi đã phải cấp cứu trong tình trạng sốc phản vệ rất nặng.

 Ngày 3.4, đại diện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân nữ 58 tuổi bị sốc phản vệ độ 3 sau khi ăn trứng kiến.
Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hôm 1.4. Theo người nhà của bệnh nhân thuật lại, khoảng 1 giờ trước khi vào viện, người bệnh có ăn trứng kiến, sau ăn có hiện tượng nổi mẩn đỏ toàn thân, đau bụng nhiều và nôn.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ 3. Xác định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ: người bệnh được tiêm Adrenalin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch…
Các bác sĩ điều trị chia sẻ, với các trường hợp người bệnh nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ phù thanh quản, suy hô hấp và nguy cơ tử vong rất cao. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, đến trưa nay (3.4), sau 1 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định, tỉnh táo, các chỉ số lâm sàng bình thường và sẽ dự kiến được xuất viện vào ngày mai.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên ăn các thức ăn lạ hoặc tiếp xúc với các chất lạ vì dễ gây phản ứng dị ứng. Trong trường nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu trong các tình huống trên, cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Theo Bộ Y tế, phản vệ là một phản ứng dị ứng ở người, có thể xuất hiện lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thêm, nguy hiểm của sốc phản vệ là gây phù hạ họng, thanh quản, phản ứng co thắt phế quản rất mạnh khiến đường thở bị chít hẹp, bệnh nhân không thở được gây thiếu ô xy đến các cơ quan, đặc biệt là thiếu ô xy não. Phản ứng này cũng gây giãn mạch làm giảm lưu thông máu, nếu không khắc phục sớm có thể gây mất não, tử vong.
Chuyên gia hồi sức tích cực lưu ý, để kiểm soát và phòng sốc phản vệ do thực phẩm, nên tránh các thực phẩm đã từng gây dị ứng (sẩn ngứa, đỏ da, phù nề, khó thở). "80% sốc phản vệ có dấu hiệu ngoài da (đỏ, ngứa), sau đó mới khó thở, trụy mạch, co thắt phế quản. Tuy nhiên, có người biểu hiện khó thở, trụy mạch ngay lập tức, sau đó mới mẩn ngứa. Với thuốc tiêm truyền thì phản ứng sốc phản vệ xảy ra rất nhanh; còn sốc do dị ứng thức ăn thì chậm hơn. Chi phí cho thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt tiền, nhưng quan trọng là phải rất nhanh, thời gian tính bằng giây", giáo sư Gia Bình cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.