Nguy hiểm ký sinh trùng Toxoplasma

18/12/2012 03:20 GMT+7

Giới chuyên gia đã tìm ra cơ chế xâm nhập não người của ký sinh trùng Toxoplasma, từ đó gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực khiến vật chủ có thể tự sát.

Các nhà khoa học cho rằng cuối cùng cũng đã phát hiện được cơ chế cho phép Toxoplasma gondii, một ký sinh trùng đơn bào, di chuyển từ ruột đến hệ thống thần kinh trung ương. Kết quả nghiên cứu cho thấy nó có thể xâm nhập vào tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch, khiến chúng tiết ra một dạng chất dẫn truyền thần kinh, cho phép các tế bào nhiễm bệnh, và ký sinh trùng, vượt qua hàng rào tự nhiên bảo vệ não. Toxoplasma gondii có thể sống bám trên nhiều cơ thể vật chủ khác nhau, nhưng nó chỉ hoàn tất được chu kỳ sống ở loài mèo. Các nghiên cứu trước đây cho thấy Toxoplasma ảnh hưởng đến hành vi của chuột, khiến chúng dễ đâm đầu vào miệng mèo hơn đồng loại không bị nhiễm.

 Có giả thuyết rằng Toxoplasma sẽ kích hoạt những tình trạng rối loạn tâm lý ở người
Có giả thuyết rằng Toxoplasma sẽ kích hoạt những tình trạng
rối loạn tâm lý ở người - Ảnh: Shutterstock

Tính riêng tại Anh, thống kê vào tháng 9.2012 của Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm cho thấy có khoảng 1.000 người nhiễm Toxoplasma mỗi ngày, tương đương với 350.000 người/năm. Giới chức y tế cho rằng, họ bị nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với mèo hoặc ăn thịt/rau quả chưa được xử lý kỹ. Có đến 40% người dân Anh bị nghi nhiễm Toxoplasma, và dù đa số chẳng biểu lộ triệu chứng, nguy cơ ảnh hưởng đến phôi thai khá cao trong trường hợp thai phụ bị nhiễm ký sinh trùng này lần đầu tiên trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cũng đưa ra giả thuyết rằng Toxoplasma có thể kích hoạt những tình trạng rối loạn tâm lý ở người, bao gồm chứng tâm thần phân liệt, dù cuối cùng các chuyên gia vẫn chưa thiết lập được mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa ký sinh trùng này và hành vi bất thường.

Trong nghiên cứu mới, chuyên gia Antonio Barragan của Trung tâm bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Karolinksa (Thụy Điển) cho biết khi nhiễm, tế bào hình cây của người, vốn không thuộc hệ thần kinh trung ương, bắt đầu tiết ra chất dẫn truyền thần kinh gọi là GABA, vốn thường chỉ được sản xuất bởi tế bào não. “Khả năng cưỡng bức tế bào trong hệ miễn dịch tiết ra GABA là một phát hiện đáng ngạc nhiên ở Toxoplasma, vì đó là điều hoàn toàn không được dự đoán trước. Điều đó có nghĩa là ký sinh trùng này có khả năng thao túng hệ thần kinh trung ương”, theo bác sĩ Barragan trình bày trên chuyên san Plos Pathogens. Nhóm của ông đã sử dụng tế bào hình cây người nuôi trong phòng thí nghiệm để rút ra kết luận trên. Theo đó, “ký sinh trùng lợi dụng tế bào hình cây làm một dạng ngựa thành Troy để chuyển chúng từ ruột lên não”, ông Barragan cho biết.

GABA, hay gamma aminobutyric acid, có liên quan đến việc kiềm chế các cảm giác sợ hại và bất ổn. Chuột và mèo bị nhiễm thường ít tỏ ra sợ những con mèo khác, và bác sĩ Barragan còn cho rằng các tế bào hình cây nhiễm Toxoplasma có thể tiếp tục kích thích sự sản sinh GABA một khi đã chui được vào não. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác phát hiện Toxoplasma cũng có thể sản sinh hoạt chất thần kinh gọi là L-dopa, tiền thân của hóa chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Có thể đây là hành động tiếp theo của ký sinh trùng nguy hiểm nhằm can thiệp vào hành vi ở loài hữu nhũ.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng vẫn cần có thêm thời gian trước khi xác định được Toxoplasma thực sự ảnh hưởng đến hành vi hoặc trạng thái tâm thần ở người. 

Tụ Yên

>> Khô mực nhiễm khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh
>> Ký sinh trùng tàn phá não người
>> Mù mắt vì ký sinh trùng bám vào kính sát tròng
>> Ký sinh trùng ung thư não ở mèo không gây hại cho người
>> Phát hiện loại ký sinh trùng sốt rét khó tiêu diệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.