Nguy hiểm của rau tiền đạo

18/10/2010 20:13 GMT+7

Trong thời kỳ thai nghén, chúng ta hay nghe thuật ngữ chuyên ngành của bác sĩ: khám để phòng rau (nhau) tiền đạo.

Rau tiền đạo là gì?

Đó là một bất thường về vị trí bám của rau - không bám hoàn toàn vào thân tử cung mà bám một phần hay toàn bộ vào đoạn dưới tử cung. Và như vậy, rau “định cư” ở trên đường ra của thai nhi trong thời kỳ sinh nở.

Tử cung có hình như một quả lê úp ngược, đáy ở trên và núm ở dưới. Lẽ ra rau phải bám vào 2/3 trên của “quả lê” này, nghĩa là bám vào phần đáy, nhưng rau tiền đạo lại bám vào 1/3 dưới và có khi bám chính giữa núm “quả lê”. Khi rau bám chính giữa núm, tương ứng trên cơ thể người là rau bám vào chính giữa và che kín lỗ cổ tử cung thì được gọi là rau tiền đạo trung tâm. Đây là trường hợp nguy hiểm nhất.

Trong thời kỳ mang thai, rau là bộ phận trao đổi chất duy nhất giữa mẹ và thai nhi, gánh vác trọng trách chính trong việc nuôi dưỡng thai. Vì vậy với rau tiền đạo sẽ gây nguy hiểm cho người mẹ và ảnh hưởng không nhỏ đến con.

Nguy hiểm

Bình thường khi rau bám đúng vị trí thì quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi rau bám ở vị trí tiền đạo thì nó lại là một cản trở và gây nguy hiểm trong quá trình chuyển dạ. Nguy hiểm tới mức mà rau tiền đạo được gọi là một cấp cứu sản khoa, nếu không xử lý tốt, chuyện tử vong ở người mẹ là rất dễ xảy ra.

Điều nguy hiểm nhất là tình trạng chảy máu ở người mẹ. Tình trạng này có đặc điểm là luôn tái phát, tăng dần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bà mẹ và là nguyên nhân chính khiến người mẹ tử vong. Rau tiền đạo còn gây sinh non, bởi vì các biến chứng hầu như xảy ra vào trước tháng thứ 8 của thai kỳ, ít trường hợp giữ thai được đến ngày đẻ. Do vậy, hầu hết những đứa trẻ sinh ra trong trường hợp này đều là thai non tháng và sức khỏe chưa đầy đủ; điểm nữa đó là ngôi thai không thuận, là vì rau nằm phần dưới nên sự bình chỉnh ngôi của thai nhi không tốt. Thêm vào đó rau lại nằm án ngữ trên đường ra của thai nhi nên đa phần là gây đẻ khó.

Đứng trước chẩn đoán rau tiền đạo, về mặt nguyên tắc, các bà mẹ cần được ở lại bệnh viện để theo dõi và điều trị; hạn chế vận động hay bất kỳ một chấn động nhỏ nào ở vùng bụng để tránh kích thích tử cung gây chảy máu. Các bà mẹ luôn trong tư thế sẵn sàng phẫu thuật để trước là cứu sống mẹ, sau là cứu sống thai nhi. Khám thai định kỳ, sớm phát hiện rau tiền đạo và xử trí kịp thời là lời khuyên tốt nhất dành cho những bà mẹ nằm trong tình huống cấp cứu sản khoa này.

BS Yên Lâm Phúc
(Học viện Quân y)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.