Nguy cơ truyền bệnh khi người lạ hôn trẻ sơ sinh

Thanh Lương
Thanh Lương
13/12/2020 04:05 GMT+7

Từ lâu, các bác sĩ đã khuyến cáo cha mẹ đặc biệt chú ý không để người lạ hôn trẻ sơ sinh, bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và trẻ có thể chưa được tiêm đầy đủ vắc xin. Lời khuyên này càng có giá trị trong đại dịch Covid-19 .

Chuyên trang sức khỏe Healthline dẫn thông tin từ tiến sĩ Dean Blumberg, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Davis thuộc Đại học California (Mỹ), cho hay các bậc cha mẹ cần đặc biệt cảnh giác bởi trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng trong những tháng đầu đời.
Tiến sĩ Karin Nielsen, giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California (Mỹ), lưu ý một nụ hôn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật cho trẻ, phổ biến có thể kể đến bệnh viêm màng não (HSV-1), cúm (cúm A/H1N1, cúm A/H5N1...), ho gà... và gần như tất cả các loại bệnh về đường hô hấp khác.
Tiến sĩ Dean Blumberg cho biết thêm điều nguy hiểm là khi bị nhiễm trùng nặng, trẻ dưới 1 tuổi rất ít biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài, mà chỉ có những dấu hiệu chung chung như sốt cao, bỏ ăn, ngủ li bì, cáu kỉnh.
Ông nói: “Bất kỳ cơn sốt nào trong tháng đầu tiên sau sinh đều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu trẻ sốt trên 38°C, kèm các dấu hiệu như khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, bú kém, giảm đi tiểu, phát ban mà không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần mang con đến cơ sở y tế gấp”.

Những người đang có các triệu chứng bệnh như ho, sổ mũi, đau họng hoặc phát ban tuyệt đối không tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh

Tiến sĩ Karin Nielsen

Còn theo tiến sĩ Nielsen, trẻ bị nhiễm trùng còn có thể bị co giật, bơ phờ, hôn mê, khóc không ngừng, thậm chí thay đổi sắc độ da hoặc trông mềm nhũn. Các triệu chứng này có thể sẽ không đến cùng lúc, tuy nhiên khi phát hiện dù chỉ một triệu chứng, cha mẹ cũng cần kiểm tra ngay.
Ngoài ra, bà Karin Nielsen cũng khuyên gia đình nên tránh để trẻ sơ sinh tiếp xúc với người lạ trong những tháng đầu đời, nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
“Những người đang có các triệu chứng bệnh như ho, sổ mũi, đau họng hoặc phát ban tuyệt đối không tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh”, nữ tiến sĩ Karin Nielsen nhấn mạnh.
“Giai đoạn sơ sinh không phải là thời gian cha mẹ cố gắng xây dựng khả năng miễn dịch cho trẻ. Đó là thời gian để bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ gây bệnh, và kích thích sự gắn kết giữa trẻ và cha mẹ. Do đó, đây nên là khoảng thời gian yên tĩnh, ít khách ghé thăm để cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con trẻ”, tiến sĩ Nielsen cho biết thêm.
“Đây là một vấn đề tế nhị vì còn phụ thuộc vào văn hóa gia đình, xã hội. Tôi không khuyên bạn nên giới hạn số lượng người ghé thăm. Thay vào đó, hãy đảm bảo rằng những khách tiếp xúc trực tiếp với trẻ đều thật sự khỏe mạnh”, ông Blumberg nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.