Nguy cơ hàng ngàn nhà thuốc bị ngưng hoạt động

01/04/2019 04:49 GMT+7

Ngày 31.3 là hạn chót một số tỉnh, thành yêu cầu các nhà thuốc phải kết nối , liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia do Bộ Y tế quản lý nhằm kiểm soát việc mua bán thuốc, nhưng hiện nhiều nhà thuốc vẫn chưa kết nối.

Không kết nối xem như không phép
Ngày 23.8.2018, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 23 về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc nhằm chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, giá cả, không bảo đảm chất lượng, tình trạng bán thuốc không theo đơn, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Thủ tướng giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9.2018. Trong năm 2018 hoàn thành đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc
TP.HCM có nhiều nhà thuốc nhất trên cả nước. Hiện TP có 6.052 nhà thuốc hoạt động. Theo lộ trình của Sở Y tế TP đặt ra là đến 31.3.2019, 100% nhà thuốc phải tạo tài khoản kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia.
Tuy nhiên, tính đến ngày 26.3 chỉ có hơn 61% nhà thuốc thực hiện. Sở Y tế đã có công văn kiến nghị UBND quận/huyện chỉ đạo phòng y tế quận/huyện đẩy nhanh việc kết nối của các cơ sở cung ứng thuốc; tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. Sau thời điểm 31.3, các nhà thuốc không thực hiện kết nối dữ liệu sẽ không duy trì được tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc - GPP”.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã thông báo, từ ngày 1.4, phòng y tế báo cáo về Sở danh sách các cơ sở kinh doanh thuốc chưa thực hiện kết nối. Sở sẽ tiến hành hậu kiểm cơ sở bán lẻ thuốc và phòng y tế sẽ kiểm tra chuyên đề về kết nối nhà thuốc. Các nhà thuốc không thực hiện kết nối sẽ bị tạm ngưng kinh doanh thuốc.
Tỉnh Tây Ninh cũng đã ra “tối hậu thư” là đến ngày 31.3, nếu không tuân thủ thì sẽ bị tước tiêu chuẩn GPP và xem xét rút phép hoạt động. Với tỉnh Tây Ninh thì quầy thuốc sẽ áp dụng hạn cuối đến năm 2020. Sau khi đưa ra thời gian yêu cầu, các sở y tế cũng giới thiệu một số nhà mạng như Viettel, VNPT và một số công ty khác để nhà thuốc lựa chọn.

Triển khai… đối phó

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại Hà Nội có 41 bệnh viện (BV), 30 trung tâm y tế quận, huyện, 2 trung tâm chuyên khoa trực thuộc; 40 BV T.Ư, bộ ngành; 34 BV tư nhân. Riêng các cơ sở kinh doanh y dược có 1.160 cơ sở bán buôn, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc.
Theo đánh giá của một cán bộ (Sở Y tế Hà Nội), hiện có khoảng 85 - 90% các nhà thuốc tại các quận, huyện đã bắt tay vào triển khai nối mạng. Tuy tỷ lệ triển khai trên giấy tờ, hợp đồng giữa các nhà thuốc với các công ty cung cấp khá cao như vậy nhưng thực tế vận hành thấp hơn bởi hạn chế về nhân lực, thiết bị không đáp ứng yêu cầu, tăng chi phí nên thời điểm này nhiều nhà thuốc làm còn mang tính đối phó.
Theo Sở Y tế Hà Nội, kiểm tra gần nhất (hôm 19.3) tại H.Đông Anh cho thấy toàn huyện đã có 100% quầy thuốc của các BV kết nối theo quy định, nhưng tỷ lệ này ở nhóm quầy thuốc tư nhân chỉ mới đạt 56%. Một số quận huyện khác vẫn còn tình trạng, quầy thuốc chưa có máy vi tính và đường truyền kết nối, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của chủ cơ sở còn hạn chế, một số trường hợp đã kết nối liên thông nhưng chưa sử dụng thành thạo nên việc cập nhật dữ liệu còn khó khăn.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lâu nay các cơ sở bán lẻ thuốc ở Hà Nội đã có ý thức áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc, nhưng phần lớn là tập trung cho quản lý tài chính nội bộ, số lượng xuất nhập, tồn kho. Việc nối mạng chung theo chuẩn của Bộ Y tế sẽ đòi hỏi nhân lực có kỹ năng tốt hơn, trang thiết bị đồng bộ cùng đường truyền tốt hơn khiến các nhà thuốc lúng túng, nên không tránh khỏi việc triển khai mang tính đối phó. Do đó, thời hạn hoàn thành nối mạng và triển khai đúng chuẩn như yêu cầu của Bộ Y tế thực sự chưa thể đạt được 100% vào thời điểm 1.4.

Chủ trương lớn, phải thực hiện

Anh N., một chủ nhà thuốc ở Q.12 (TP.HCM), “kêu trời” vì mấy tháng nay người của một nhà mạng cứ gọi bảo kết nối mạng với giá khoảng 2 triệu đồng/năm, dù nhà thuốc không hề gọi cho nhà mạng này. Đồng thời nhà mạng “hù” nếu không kết nối sẽ có đoàn đến… kiểm tra nhà thuốc!?
“Bạn tôi đang xài phần mềm của một nhà mạng, mới nhập vào hóa đơn sau đó kiểm tra thì thông tin đâu mất. Vậy những lúc như vậy thì ai chịu trách nhiệm?”, chị Th., chủ một nhà thuốc ở Tây Ninh, nói. Theo chị Th., do có quá nhiều công ty tham gia cung cấp phần mềm, nên chị chờ xem thế nào. Hơn nữa, danh sách nhà cung cấp phần mềm mới được Sở Y tế Tây Ninh cung cấp từ ngày 27.3.
Các chủ nhà thuốc đặt vấn đề, lỡ nhà mạng sập mạng, không nhập được dữ liệu hoặc không kết nối được thì tính sao? Đó là chưa kể thông tin cá nhân người mua thuốc có thể bị lộ ra ngoài. Mặt khác, có thể các nhà thuốc sẽ nhập tên người bệnh “ảo” để đối phó, vì người dân ra mua 1 viên thuốc đau bụng đau đầu mà “câu lưu” họ lại để hỏi tên, địa chỉ… thì có thể khó được họ chấp nhận.
“Chúng tôi đưa ra thời hạn là ngày 31.3 là để các nhà thuốc tích cực kết nối vì đây là chủ trương lớn của Chính phủ. Sau ngày 31.3, Sở Y tế sẽ đi kiểm tra, nắm bắt tình hình khó khăn chủ quan và khách quan của những nơi chưa kết nối để có hướng giải quyết. Nếu nhà thuốc sau đó cố tình không kết nối thì sẽ bị xử lý như là không phép”, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, các nhà mạng nên để nhà thuốc lựa chọn, dùng thử, nếu thích hợp thì nhà thuốc mới kết nối chứ không ép buộc. Ông Thượng cũng nhìn nhận việc kết nối liên thông dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, do vậy cần phải có thời gian và từng bước giải quyết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.