Nguy cơ bùng phát bệnh dại trong mùa hè

30/04/2018 05:00 GMT+7

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo ở mức thấp là nguy cơ cao bệnh dại bùng phát trong mùa hè năm nay.

Trên thực tế, số người chết vì bệnh dại và người bị chó cắn đến cơ sở y tế điều trị đã tăng đột biến trong 4 tháng qua.
Chết vì vết chó cào
Tại Lào Cai, trong 4 tháng qua có 3 người tử vong vì bệnh dại. Trong đó, 2 nạn nhân Máng A Phúng (ngụ xã San Sả Hồ, H.Sa Pa) và Hoàng Minh Tuấn (ngụ xã Kim Sơn, H.Bảo Yên) đều bị chó cắn. Nạn nhân còn lại là Vàng A Dìn (ngụ xã Phong Niên, H.Bảo Thắng) bị chó cào xước chân tay. Do chủ quan, anh Dìn không đi tiêm vắc xin ngừa bệnh, đến khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, khó thở, sợ gió, sợ nước, người nhà đưa vào bệnh viện thì không thể chữa trị.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, cho biết thống kê trong 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có trên 1.000 người bị chó, mèo cắn, cào phơi nhiễm bệnh dại phải đến cơ sở y tế điều trị, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. 30% số người phơi nhiễm với bệnh dại ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa là những nơi có nhiều chó, mèo không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng nhóm thư ký Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), cho biết thống kê trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 24 người chết vì bệnh dại, tăng 4 người so với cùng thời điểm năm 2017; nhiều nhất là Kon Tum 4 người, Lào Cai 3 người, Tuyên Quang 2 người. Đặc biệt, số người bị chó cắn đến cơ sở y tế điều trị lên tới 100.000 người. Trong khi đó, năm 2017 thống kê ở các địa phương trên toàn quốc ghi nhận có 500.714 người bị chó cắn, tăng trên 20% so với giai đoạn năm 2015 - 2017. “Số người bị chó cắn tăng lên con số khổng lồ là dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh dại trong cộng đồng diễn biến nguy hiểm, có thể bùng phát trong mùa hè năm nay nếu không kiểm soát tốt việc phòng ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo”, bà Hương cảnh báo.
Tiêm vắc xin không đạt yêu cầu
Theo quy định tại Thông tư 48/2009 của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn phòng, chống bệnh dại trên động vật, để phòng chống bệnh dại lây cho người, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi (chó, mèo) phải đạt ít nhất 70% tổng đàn. Khi phát sinh bệnh dại, tỷ lệ vắc xin bắt buộc phải đạt 100% tổng đàn. Nhưng thực tế, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo ở các địa phương đạt rất thấp, không đạt yêu cầu miễn dịch cho cộng đồng.
Tại Thái Nguyên, địa phương ghi nhận ca chết người vì bệnh dại đầu tiên trong năm nay, dù áp dụng nhiều giải pháp vận động, thuyết phục người dân tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo nhưng đạt tỷ lệ cũng không cao. Ông Trần Đức Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Nguyên, cho biết tỷ lệ tiêm vắc xin ở TP, thị xã đều đạt 90% khi chính quyền địa phương lồng ghép và xem đây là tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa, thi đua của các khối đoàn thể. Tuy nhiên, ở các huyện miền núi thì tỷ lệ chỉ đạt khoảng 50% nên khu vực này có nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại rất cao khi đàn chó, mèo thả rông bừa bãi. “Cái khó nhất hiện nay là người dân chưa có ý thức chủ động phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo. Dù đã có quy định và thẩm quyền xử lý, xử phạt các trường hợp không tiêm phòng bệnh dại nhưng nếu chính quyền địa phương không thực hiện thì rất khó cho ngành thú y tiêm vắc xin đạt tỷ lệ tối thiểu”, ông Vinh nói.
Tại Lào Cai, số ca bệnh dại trên người gia tăng có nguyên nhân từ tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn chó, mèo đạt rất thấp. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh, 4 tháng đầu năm toàn tỉnh tiêm được 24.135 liều vắc xin, chỉ đạt 27%. Trước thực trạng bệnh dại diễn biến phức tạp, ngày 13.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thể ký công văn gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương toàn tỉnh thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn bệnh dại. Trong đó, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn chó mèo, đồng thời thành lập các đội bắt giữ, xử lý chó mèo thả rông nếu không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai Nguyễn Xuân Nhẫn cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn chó, mèo ở khu vực TP, các huyện vùng thấp cơ bản đã đạt yêu cầu nhưng còn tại các huyện vùng núi thì rất khó khăn. “Đội ngũ cán bộ thú y đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để phấn đấu trước ngày 30.5 sẽ cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại”, ông Nhẫn nói.
Mỗi năm thiệt hại khoảng 800 tỉ đồng
Ngày 10.4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT gửi công điện khẩn đề nghị các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại khi thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng, mùa cao điểm phát sinh bệnh dại. Trong tháng hành động cao điểm phòng, chống bệnh dại, các địa phương quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo để tiêm phòng triệt để; khuyến cáo người dân theo dõi, thông báo về bệnh dại đến cơ quan chức năng; người bị chó cắn, mèo cào phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị… Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, giai đoạn năm 2011 - 2016, mỗi năm VN có khoảng 92 người chết vì bệnh dại và trung bình có trên 400.000 người bị chó cắn phải nhập viện điều trị dự phòng, thiệt hại khoảng 800 tỉ đồng. Trong năm 2017, toàn quốc có 74 người chết và bệnh dại ở 34 tỉnh, TP, tập trung ở miền Bắc, Tây nguyên và một số tỉnh Nam bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.