Nguy cơ bùng phát bệnh dại

03/06/2016 06:05 GMT+7

Hà Nội và nhiều tỉnh phía bắc, miền Trung đang chịu đợt nắng nóng gay gắt, dẫn đến nguy cơ bệnh dại do chó mèo cắn lây lan qua người.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong năm 2015 cả nước có gần 400.000 người bị chó cắn phải đến các cơ sở y tế điều trị, trong đó có 78 người tử vong.
Còn 5 tháng đầu năm nay đã có 24 người bị tử vong do bệnh dại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Tây Ninh. Nhiều địa phương có số lượng người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế điều trị tăng đột biến, như Thái Nguyên đã có gần 2.000 người bị chó cắn.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Hoàng Văn Tân, Phó trưởng ban Thường trực dự án Khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho rằng tỷ lệ đàn chó phải được tiêm vắc xin bệnh dại đạt từ 70% trở lên thì mới có thể loại trừ nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng. Thế nhưng, nhiều địa phương, đặc biệt là địa bàn miền núi, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó đạt tỷ lệ rất thấp, là nguy cơ dẫn đến bệnh dại gia tăng trong mùa hè này.
Qua ghi nhận từ các địa phương có người tử vong do bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu là do chó nuôi trong nhà phát bệnh dại cắn người. Cá biệt ở Thái Nguyên ghi nhận có trường hợp chó phát dại cắn cùng lúc 7 người. Còn theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong năm 2015 có địa phương như Cà Mau tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó chỉ đạt 1,65%, đa số các địa phương không đạt tỷ lệ tối thiểu 70% như quy định.
Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Nghị định 05/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại trên động vật quy định tất cả chó mèo bắt buộc phải tiêm phòng bệnh dại, trường hợp không tiêm thì chủ nuôi phải bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Nhưng trên thực tế, ở các địa phương gần như không xử phạt được trường hợp nào do chính quyền địa phương không vào cuộc.
Trước thực trạng này, trong tháng 5.2016, Cục Thú y đã thành lập 11 đoàn kiểm tra đi về 26 tỉnh, thành phố kiểm tra và đôn đốc chính quyền địa phương tiêm phòng chó dại.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng đã ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đôn đốc tiêm vắc xin bệnh dại trên đàn chó và đặt mục tiêu quản lý cho được đàn chó mèo, giảm số lượng người bị chó cắn, người tử vong bị bệnh dại trong năm 2016.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát, thống kê được số lượng đàn chó và phối hợp với ngành thú y tổ chức ngay các đợt tiêm phòng.
“Các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tiêm vắc xin cho đàn chó mèo, đặc biệt chủ nuôi phải ký cam kết không thả rông chó, mèo, khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng phải có rọ, xích dắt đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Chủ tịch UBND cấp huyện, xã quy định cụ thể về việc bắt giữ, thông báo, xử lý đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 05/2007 và tổ chức lực lượng tuần tra, bắt giữ chó thả rông để xử lý.
Sơ cứu khi bị chó cắn
PGS-TS Hoàng Văn Tân khuyến cáo, trong mọi trường hợp bị chó cắn phải sơ cứu vết thương bằng cách rửa dưới vòi nước sạch trong khoảng 15 phút với các chất sát trùng sẵn có như xà phòng, rượu, cồn... để giảm thiểu lượng vi rút dại. Sau đó, người bị chó cắn bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, bởi thời gian ủ bệnh dại ở người ngắn nhất là 10 ngày, phổ biến từ 1 - 3 tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.