Người phụ nữ Mỹ bỗng nhiên đổi giọng Pháp và Đức chỉ sau giấc ngủ trưa

06/09/2018 13:37 GMT+7

Mặc dù Ellen Spencer (56 tuổi) không phải là người Pháp và cũng không phải là người Đức nhưng bà lại nói giọng của cả hai nước này chỉ sau... giấc ngủ trưa.

Bà Spencer sinh ra và lớn lên ở Indianapolis (Mỹ). Bà chưa từng đến và sống ở Pháp cũng như Đức. Tuy nhiên, giọng của bà lại pha trộn giữa Pháp và Đức khi nói và chỉ khi hát bà mới lại hát đúng giọng Mỹ, theo Daily Mail. 
Bà Spencer cho biết cách đây 10 năm, giọng bà đã thay đổi sau khi ngủ trưa dậy.
Bà nhớ lại, hôm đó, sau khi giọng thay đổi, bà còn cảm giác đột ngột tê cằm, rồi không bao lâu cảm giác tê lan rộng ra một bên mặt như thể bà được tiêm một loại thuốc gây tê cục bộ.
Lúc đó, bà nghĩ mình bị đột quỵ. Tuy nhiên, nhìn vào gương, bà vẫn thấy mặt bình thường. Các nếp của cơ mặt như mắt, má không bị rũ xuống. Còn cảm giác tê vẫn kéo dài đến hết tối hôm đó. Vì vậy, bà cố gắng đi ngủ sớm.
Sáng hôm sau, Spencer lập tức đi đến bác sĩ để khám nhưng bác sĩ không có câu trả lời chính xác tại sao bà lại bị vậy. Mệt mỏi sau một ngày dài ở bệnh viện, bà ngủ một giấc từ chiều tối cho đến sáng hôm kế tiếp.
Trong những ngày kế tiếp, Spencer vẫn còn cảm giác tê và đã lan rộng đến các vùng khác trên cơ thể. Bà cũng bị đau tiền đình. Vì vậy, bà quyết định quay lại bệnh viện.
Các triệu chứng trên, đặc biệt sự thay đổi trong giọng nói, đã thực sự làm cho các bác sĩ cảm thấy “hoang mang” và hỏi quê quán của cả ba mẹ và liệu họ hàng bà có ai có quê quán ở Đức hay Bỉ không.
Thế nhưng, Spencer thật sự không có họ hàng nào từ hai nước này.
Sau đó, bà được chỉ định làm nhiều xét nghiệm và cuối cùng cũng được chẩn đoán mắc hội chứng nói giọng nước ngoài (foreign accent syndrome).
Theo Spencer, trước đó, trong thời gian bà đi học điều dưỡng, bà đã từng bị tai nạn xe hơi và có thể đã ảnh hưởng đến não.
Giáo sư - tiến sĩ William Katz của Đại học Texas (Mỹ) nói với Daily Mail, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến não cũng có thể thay đổi cách Spencer phát âm và nhịp điệu của lời nói. Hội chứng trên thật sự không phải là mới nhưng cũng không có nhiều bác sĩ biết rõ về nó. Vì vậy không có gì lạ khi hội chứng của Spencer không được chẩn đoán ra sớm.
Sau hơn 100 năm kể từ khi trường hợp bị mắc hội chứng nói giọng nước ngoài đầu tiên được ghi nhận vào năm 1907, (một người đàn ông ở Paris (Pháp) bỗng nói giọng Đức sau khi bị đột quỵ), hội chứng này vẫn là “điều bí ẩn” đối với giới y học.
Giáo sư Katz nói thêm với Daily Mail chỉ mới có khoảng 100 trường hợp bị hội chứng trên được chẩn đoán nên quá ít để nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.