Người nguy kịch, kẻ tử vong do dùng thuốc cấm, trôi nổi

23/10/2019 09:32 GMT+7

Hai bệnh nhân phải vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi sử dụng Tiểu đường hoàn và một số thuốc đông y trôi nổi.

Người nguy kịch, kẻ tử vong

Bệnh nhân V.T.B.L (60 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) phát hiện bị đái tháo đường từ tháng 10.2018. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không đi khám để được điều trị thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ mà nghe theo lời truyền miệng sử dụng “thuốc” Tiểu đường hoàn.
Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết: Qua thời gian sử dụng sản phẩm trên, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng đau lưng, tăng huyết áp và đái tháo đường. Được điều trị tại Khoa Nội Cơ Xương Khớp của bệnh viện nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục chuyển biến nặng. “Bệnh nhân mệt mỏi, đau nhức cơ nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng với (pH nhỏ hơn 6,8 - tức là ngưỡng cảnh báo tử vong), dần rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực”, bác sĩ Ánh cho biết.
Qua hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhân L. may mắn đã dần ổn định sức khỏe.
Không may mắn như bà L., bà Đ.T.S (67 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) cũng nhập viện Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng nguy kịch sau thời gian dài uống các loại đông dược trôi nổi để điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, không may mắn như bà L., tình trạng bệnh nhân S. sau nhiều ngày điều trị vẫn tiến triển nặng, suy hô hấp, bệnh nhân lại kèm suy thận nên bệnh nhân đã không qua khỏi.

Thuốc cấm, trôi nổi

Bác sĩ Ánh khuyến cáo người bệnh tiểu đường không nên nghe lời truyền miệng, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, trôi nổi gây hại cho bản thân, khiến bệnh ngày càng nặng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Ánh cho biết, qua tìm hiểu thì bệnh nhân đã sử dụng thuốc Tiểu đường hoàn; còn bệnh nhân S. đã bị đái tháo đường 10 năm qua. Thời gian gần đây, bệnh nhân S. sử dụng hai loại thuốc đông y với nhãn mác toàn chữ Hoa. Trong đó, một loại chứa sulfamid hạ đường huyết và một loại khác không rõ thành phần.
Qua so sánh đối chiếu với những toa thuốc của các bệnh nhân trước đó cũng nhập viện sau khi sử dụng các thuốc này, bác sĩ nhận thấy trong các loại thuốc tể trôi nổi trị tiểu đường có thành phần là phenformin.
Với Tiểu đường hoàn, từ tháng 3.2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định thu hồi sản phẩm trên thị trường và yêu cầu Công ty Cổ phần Difoco ngừng sản xuất, buôn bán, sản phẩm Tiểu đường hoàn.
Theo Cục An toàn thực phẩm, qua kiểm tra việc sản xuất, lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn (sản phẩm do Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco công bố, sản xuất tại địa chỉ: 276/17/2 Mã Lò, Khu phố 6, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM), Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện nguyên liệu sản xuất Tiểu đường hoàn không đúng với công bố. Theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 31090/2016/ATTP-XNCB ngày 21.11.2016, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn được sản xuất từ nguyên liệu có tên là “Thảo dược tiểu đường”, “Thảo dược hỗ trợ tiểu đường”, tuy nhiên, thực tế, nguyên liệu đã phối trộn sẵn không đúng với tên nguyên liệu đã công bố.
Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco cũng đã không còn hoạt động sản xuất tại địa chỉ: 276/17/2 Mã Lò, Khu phố 6, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM, là nơi đặt cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn.
Đối với phenformin, đây là hoạt chất được phát hiện vào năm 1957 dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng - đó chính là nhiễm a xít lactic, có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong.
“Phenformin đã bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng từ những năm 1970. Sau đó, dược chất này cũng bị cấm sử dụng trên toàn thế giới để điều trị bệnh đái tháo đường từ những năm 1980. Đây là một loại thuốc có thể gây ra nhiều biến cố đối với bệnh nhân đái tháo đường, cao gấp 100 lần so với thuốc metformin - hiện là thuốc được chỉ định chính thống trong các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường”, bác sĩ Ánh cho biết.
Bác sĩ Ánh khuyến cáo, ngay cả với metformin, khi sử dụng, bệnh nhân cũng cần đi khám để được các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn, nhất là đối với những bệnh nhân đái tháo đường kèm theo các bệnh mạn tính khác như suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng, nghiện rượu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.