Người Mỹ tăng lo lắng, giảm hạnh phúc vì đại dịch Covid-19

Tạ Ban
Tạ Ban
20/06/2020 00:12 GMT+7

Hầu hết người Mỹ hài lòng với tình hình tài chính nhưng chỉ số hạnh phúc lại thấp. Đại dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới gây ra khiến họ lo lắng không chỉ cho bản thân mà còn có cái nhìn tiêu cực hơn về tương lai thế hệ sau.

Nghiên cứu được Quỹ khoa học quốc gia Mỹ tài trợ, do tổ chức NORC tại Đại học Chicago (Mỹ) tiến hành, là nỗ lực nhằm xem xét tác động xã hội, tâm lý và kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với xã hội Mỹ. Kết quả khảo sát thực hiện trên hàng ngàn người từ 18 tuổi trở lên, đại diện cho 50 tiểu bang và Quận Columbia, kéo dài từ ngày 21 đến 29.5.2020, được công bố trên trang web của Đại học Chicago (Mỹ).
Theo đó, ít người nói rằng họ hạnh phúc (14%), phần đông mọi người hài lòng với tài chính của gia đình (80%). Phát hiện trái ngược này cho thấy, dân Mỹ đang so sánh cảm giác hạnh phúc với sức khỏe tâm lý của họ trước đại dịch, trong khi đánh giá tài chính lại liên hệ với cảnh hàng triệu người mất việc làm, tiền lương hoặc đầu tư sau khi dịch bệnh bùng phát.
Kết quả cũng chỉ ra người Mỹ phản ứng khác khi bùng phát dịch Covid-19 so với các thảm kịch quốc gia trước đây. Ví dụ, trong đại dịch, ít người khóc hoặc cảm thấy choáng váng hơn sau vụ ám sát John F. Kennedy năm 1963, hoặc vụ khủng bố 11.9.2001, nhưng nhiều người mất bình tĩnh hoặc cảm thấy buồn chán hơn.
Kể từ năm 2018, ngày càng ít người hài lòng với các mối quan hệ xã hội của họ. Khoảng gấp đôi số người Mỹ cảm thấy bị cô lập so với hai năm trước (50% so với 23%). Những người sống ở quận có số lượng tử vong vì Covid-19 cao thì cô đơn hơn, ít hạnh phúc hơn những người ở các quận ít bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người ở nơi bị tác động cao nhiều khả năng nói họ không hạnh phúc hơn người ở nơi khác (32% so với 21%), theo trang web của Đại học Chicago (Mỹ).
Những phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu bao gồm:
42% người Mỹ tin rằng con cái sẽ có tiêu chuẩn sống tốt hơn mức sống của họ, giảm mạnh từ 57% năm 2018. Đây là mức lạc quan thấp nhất về thế hệ sau kể từ năm 1994.
Tỉ lệ người Mỹ cảm thấy thiếu bạn đồng hành tăng từ 10% năm 2018 lên 18% vào tháng 5.2020.
So với sau sự kiện ngày 9.11, ít người Mỹ có cảm giác trên đỉnh thế giới hơn (27% so với 37%), nhiều người cảm thấy chán nản hơn (38% so với 33%).
Nhiều người mất bình tĩnh thường xuyên hơn sau vụ bùng dịch (30%) so với sau ngày 9.11 (20%) hoặc vụ ám sát Kennedy (19%).
Nhiều người Mỹ thường cảm thấy lo âu, trầm cảm hoặc cáu kỉnh hơn so với hai năm trước (18% so với 13%).
Tỉ lệ người có khả năng đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 cảm thấy khó khăn đang chồng chất đến mức họ không thể vượt qua cao gấp đôi những người khác (21% so với 11%), theo trang web của Đại học Chicago (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.