Người đàn ông suy kiệt vì lạm dụng thuốc chứa corticoid

Duy Tính
Duy Tính
27/04/2019 10:05 GMT+7

Bệnh nhân bị đau lưng, tê chân nhiều năm, đã uống rất nhiều thuốc giảm đau tây y và đông y ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau, đăc biệt là uống nhiều thuốc chứa Corticoid.

Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 (Bình Dương) cho biết BV vừa tiếp nhận bệnh nhân Hồ Văn B. (76 tuổi, ngụ Bình Phước) trong tình trạng bụng trướng to, yếu mệt, nôn ói nhiều, rối loạn đi tiêu.
Bệnh nhân B. được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa, theo dõi bán tắc ruột, xơ gan, suy kiệt. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Nội để điều trị.
Ông B. cho biết hơn một năm nay ông cảm thấy bị yếu mệt dần, nôn ói, bụng to, tiêu chảy, ăn uống kém, đã khám và điều trị nhiều bệnh viện khác nhau với chẩn đoán là viêm dạ dày, nấm thực quản… Tuy nhiên, bệnh ngày càng nặng, ông nôn ói liên tục, ông không ăn uống được dẫn đến thể trạng và tinh thần bị suy kiệt nên đi BV.
Khai thác hồ sơ khám chữa bệnh cũ của bệnh nhân, bác sĩ bất ngờ phát hiện ông B. bị đau lưng, tê chân nhiều năm, đã uống rất nhiều thuốc giảm đau tây y và đông y ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị với chẩn đoán: Hội chứng Cushing - đây là một loại hội chứng do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc Corticoid dài hạn. Đồng thời bệnh nhân được theo dõi suy thượng thận thứ phát do thuốc, viêm dạ dày trào ngược thực quản, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm phế quản, suy nhược cơ thể.
Sau 6 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân hồi phục khá nhanh. Từ chỗ không thể ngồi vững được, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, hết nôn ói, hết tiêu lỏng; ăn uống khá, tinh thần vui vẻ… Hiện bụng của bệnh nhân cũng xẹp xuống hẳn so với ngày vừa nhập viện.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên tự ý điều trị bằng những phương pháp dân gian. Khi có bệnh thì cần lựa chọn một địa chỉ thăm khám uy tín để được chẩn đoán, xác định điều trị đúng. Như trường hợp bệnh nhân B. là hậu quả của việc điều trị đau lưng với dùng thuốc kháng viêm giảm đau nhóm Glucocorticoide kéo dài, lặp lại bởi nhiều người kê đơn khác nhau.
Lịch sử bệnh tật và các loại thuốc đã dùng, hồ sơ khám chữa bệnh cũ (toa thuốc; kết quả xét nghiệm…) là thông tin vô cùng quan trọng mà người bệnh phải lưu ý để trình bày với bác sĩ khi đi khám bệnh.
Về phía các thầy thuốc, việc chịu khó tìm hiểu, khai thác “bệnh sử và tiền sử” của người bệnh chính là chìa khóa then chốt để mở đúng cánh cửa chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.