Người cũng 'ngủ đông'

18/09/2016 09:47 GMT+7

Các nhà nghiên cứu vừa xác định được những dấu hiệu hóa chất có liên quan đến hội chứng mệt mỏi kinh niên, cho rằng đây là một phiên bản ngủ đông ở người.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) thật sự là một thách thức cho giới y học hiện đại. Chỉ tính riêng tại Mỹ đã có khoảng 2,5 triệu người mắc tình trạng này, nhưng lại chẳng biết nguyên nhân lẫn cách chữa trị sao cho hiệu quả. Trong một nghiên cứu mới, các chuyên gia của Đại học California tại San Diego (Mỹ) tìm thấy một dấu hiệu hóa chất chỉ thị CFS, đồng thời họ cũng bất ngờ phát hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài ở người lại chia sẻ nhiều điểm chung với dạng ngủ đông mà một số loài động vật trải qua để có thể tồn tại trước sức ép của môi trường.
Một trong những điểm đặc biệt ở các loài động vật như dơi, ong, rắn là ngủ đông. Trong nhiều tháng của năm, các con vật này cần phải chuyển sang chế độ “tiết kiệm năng lượng”. Thân nhiệt giảm, hoạt động trao đổi chất chậm lại và số lượng oxygen hấp thu được giới hạn ở mức thấp nhất. Đây là cách thức giúp chúng sống sót trong những điều kiện khắc nghiệt nhất của môi trường, và nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences đưa ra giả thuyết rằng con người có thể cũng tự đưa mình vào chế độ ngủ đông, nhưng bằng cách nào đó lại gây hại nhiều hơn lợi.
Trưởng nhóm Robert K.Naviaux giải thích CFS ảnh hưởng nhiều hệ thống của cơ thể. “Triệu chứng thay đổi trong từng trường hợp và thường xuất hiện cùng nhiều căn bệnh khác. Vẫn chưa có cách chẩn đoán dựa trên kiểm tra mẫu trong phòng thí nghiệm. Bệnh nhân ở những nước phát triển có thể chi hàng ngàn USD và mất nhiều năm để có được chẩn đoán chính xác”, theo tiến sĩ Naviaux. Còn được biết đến với cái tên myalgic encephalomyelitis (ME), CFS là triệu chứng gây mệt mỏi kéo dài hơn 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân có thể bị nhức đầu, gặp vấn đề về giấc ngủ và trí nhớ. Phụ nữ nhiều khả năng mắc chứng này hơn đàn ông, thường xảy ra trong độ tuổi 30 - 50.
Để điều tra các quá trình sinh học liên quan đến căn bệnh, tiến sĩ Naviaux và đồng sự tuyển 84 đối tượng, gồm 45 nam nữ xuất hiện các triệu chứng CFS và 39 người thuộc nhóm đối chứng. Sau khi lấy mẫu từ mỗi người tình nguyện, họ xác định được 612 chất chuyển hóa, chỉ các chất do tế bào sản sinh trong quá trình bẻ gãy các phân tử, và quan sát cách thức chúng phản ứng với con đường chuyển hóa trong huyết thanh. Sau khi phân tích sự khác nhau giữa nhóm CFS và nhóm đối chứng, các chuyên gia phát hiện những người phát triệu chứng CFS có vấn đề bất thường trong 20 con đường, và 80% số chất chuyển hóa giảm hẳn về số lượng.
Điều này cho thấy những người mắc CFS trao đổi chất chậm hơn người bình thường. Nhóm chuyên gia cho rằng hành động này bắt chước một dạng ngủ đông ở động vật. Đây là một trong những bước đi đầu tiên giúp khám phá chứng bệnh chưa có cách chẩn đoán lẫn điều trị, và trên hết cung cấp phương pháp chẩn đoán cho những người bị nghi mắc CFS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.