Nghề Y dành cho ai?

Đình Tuyển
Đình Tuyển
27/02/2019 15:02 GMT+7

Ngày còn đi học, thầy tôi thường nói với những bạn mơ làm bác sĩ rằng nghề y cao quý không ai sánh bằng nhưng cũng cơ cực, ức chế nhất. Chỉ có người bệnh tật, ốm đau, tai nạn máu me… mới dành cho bác sĩ.

Đêm 30 tết, những chiếc băng ca liên tục được đẩy vào sảnh cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Những tiếng rên đau của người bệnh, những tiếng thúc hối của người thân bệnh nhân và cả tiếng khóc quyện lại bối rối. Bàn ghi hồ sơ bệnh án phía ngoài, 4 nhân viên y tế làm việc “như cái máy” để nhập thông tin của người bệnh. Sự căng thẳng tột độ bao trùm...
Trong phòng cấp cứu, 48 giường, 18 xe nằm không còn một chỗ trống. Người đau bụng quằn quại, người máu me đẫm người sau tai nạn, người ôm đầu vật vã vì đau. Hàng chục y, bác sĩ, điều dưỡng làm việc tối mặt, kiểm tra tình trạng của từng người bệnh, đánh giá, phân loại rồi xử lý.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đêm 30 tết Kỷ Hợi không còn một chỗ trống Ảnh: Đình Tuyển
Tiếng la hét vì đau đớn, những ánh mắt sợ hãi của thân nhân và mùi của máu, của thuốc… làm cho không khí ngột ngạt, chỉ thở thôi cũng mệt... Tôi chợt nhớ lại lời thầy mình nói với những học sinh mơ trở thành bác sĩ, “ngành y không có chỗ cho những người không đủ kiến thức và không có một tâm hồn không rộng lớn, cao thượng”.
Sau này, những bác sĩ tôi biết họ gần như dành phần lớn thời gian của mình để học hành chuyên môn, cứu người. Ăn, ngủ tại bệnh viện, xem bệnh viện như là nhà. Nơi mà họ phải tiếp xúc với bệnh tật, máu me, vi khuẩn và cả tử thi. Nơi mà những nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhiễm xạ, hóa chất độc hại, chất thải nguy hiểm luôn rình rập. Nhưng có một điều mà không phải ai cũng đồng cảm đó là “tai nạn nghề nghiệp” và sự sơ suất luôn đắt giá vô cùng.
Những ca bệnh liên tục được đẩy vào sảnh Khoa Cấp cứu Ảnh: Đình Tuyển
“Cứu tôi, đau quá bác sĩ ơi”, tôi giật mình bởi tiếng thét của người bệnh tai nạn vừa đẩy vào phòng. Những bóng áo blouse trắng vẫn tất bật cùng những câu trao đổi gấp gáp “Ca này mạch, huyết áp sao rồi?”, “Bệnh nhân có xử lý gì tuyến trước chưa?”, “Ca này sao vô vậy?”, “Cho đi chụp CT đi”…
Họ không phải đang chiến đấu với một tử thần mà là hàng loạt tử thần để giành lại sự sống cho những bệnh nhân. Trong căn phòng sinh - tử đó, tết, giao thừa hoàn toàn không có mặt, chỉ có áp lực công việc, chạy đua từng giây, từng phút để cứu người...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.