Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam: Nguồn sống cho trẻ sinh non, mồ côi mẹ

06/02/2018 18:40 GMT+7

Sữa mẹ được hiến tặng ở ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam đã và đang mang lại nguồn sống cho hàng ngàn đứa trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân và cả mô côi mẹ…

Ngày 6.2, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tổ chức hội thảo đánh giá tròn 1 năm triển khai thí điểm hoạt động Ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện. Đây là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam, và là 1 trong 600 ngân hàng sữa mẹ đạt tiêu chuẩn quốc tế trên toàn thế giới.

Nguồn sống diệu kì từ sữa hiến tặng

Tại Khoa Nhi Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), bé Tài (Tài là tên của bố, 13 ngày tuổi) đang được bố ấp bằng phương pháp Kanguru. Bé vừa thiếp ngủ sau khi được bú no nê những giọt sữa mẹ ngọt lành được lưu trữ bởi Ngân hàng sữa mẹ.

Mẹ bé Tài bị suy tim nhưng vẫn mang thai bé. Khi thai vào tuần thứ 34, một cơn suy tim, suy hô hấp ập đến, mẹ bé được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mổ cấp cứu trong tình trặng “ngàn cân treo sợi tóc” mới giữ được tính mạng cả mẹ lẫn con. Sau mổ, mẹ bé vẫn tiếp tục được theo dõi sau phẫu thuật tại Bệnh viện Đà Nẵng, còn bé Tài được đưa về Khoa Nhi Sơ sinh trong tình trạng sinh non, nhẹ cân và suy hô hấp…

Những ngày qua, bé Tài được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ đặc biệt, giúp hấp thu dễ dàng để phát triển và tăng đề kháng, thích nghi với môi trường sống bên ngoài ẢNH: AN DY

Một trẻ sinh non khác là bé Hường (3 ngày tuổi, con gái của sản phụ Đ.T.Hường, quê Quảng Ngãi) cũng đang hồi sinh tích cực từ nguồn sữa mẹ diệu kỳ được hiến tặng. So với những em bé sinh non khác, bé Hường được đánh giá là khá “hạp” sữa bởi sức khỏe của bé được cải thiện rõ rệt chỉ sau 3 ngày sinh. Trước đó, mẹ bé với rất nhiều bệnh lý, trong đó có thận hư, huyết áp cao, sốt cao phải mổ cấp cứu, lấy con và cứu mẹ.

Không chỉ bé Tài và bé Hường, mà mỗi ngày, ở Khoa Nhi Sơ sinh có hàng chục đứa trẻ hồi sinh và phát triển từ sữa của ngân hàng sữa mẹ. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản -Nhi Đà Nẵng, cho biết: đối tượng hưởng lợi chính từ ngân hàng sữa mẹ là nhóm trẻ đang được điều trị tại Khoa Nhi Sơ sinh, ưu tiên trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi, trẻ nhẹ cân dưới 1,5 kg và trẻ sơ sinh bệnh lý nặng.

“Mỗi năm có hơn 15.000 ca sinh tại bệnh viện, trong đó có khoảng 3.000-4.000 trẻ sơ sinh có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng. Nhóm trẻ này đang được hưởng những lợi ích vô cùng to lớn từ nguồn sữa mẹ được hiến tặng”, bác sĩ Hoàng chia sẻ kỳ tích.

Trao đi điều ngọt ngào nhất

Để có được dòng sữa ngọt lành giúp mang lại sự sống cho những đứa trẻ sơ sinh, trong một năm qua, đã có gần 600 bà mẹ tình nguyện đến ngân hàng sữa mẹ đăng ký hiến sữa. Nhưng cũng chỉ có gần 200 người trong số họ đủ điều kiện để tham gia hiến sữa, lưu trữ sữa tại ngân hàng.

Sữa mẹ được các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú hiến tặng sau khi họ đã trải qua quy trình kiểm tra sàng lọc nghiêm ngặt. Tiếp theo đó, sữa mẹ được xử lý và phân phối theo quy trình đảm bảo cung cấp sữa hiến tặng an toàn, đạt chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng.

Trong số những bà mẹ đang tham gia hiến sữa mẹ cho các bé, chị Huỳnh Thị Luyến (24 tuổi, quê Xã Bình Dương, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) là người đã và đang tiếp nối “kì tích” cho sữa nhiều nhất. Chị Luyến sinh mổ khi thai mới chỉ 32 tuần tuổi. Cháu bé ra đời rất yếu và nặng chỉ hơn 1 kg. Hai  ngày đầu, chị Luyến còn yếu, chưa có sữa nên cháu bé sử dụng sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Đến ngày thứ 3, sữa “về”, chị vắt sữa từng ngày, phần cho con, phần hiến vào ngân hàng sữa mẹ.

Hiện tại cháu bé được hơn 1 tháng tuổi cũng là bằng ấy thời gian chị Luyến đều đặn vắt sữa cho con và cho những đứa trẻ sinh non khác… “Thời gian đầu, mỗi ngày hiến được ngày 3-4 hũ loại 70ml. Những ngày sữa nhiều, vắt 5-7 hũ. Sau gần 1 tháng cháu bé điều trị tại bệnh viện, tôi gửi vào ngân hàng sữa mẹ được hơn 15 lít sữa, để dành cho các bé sinh non, thiếu tháng như con tôi, nhưng nhiều cháu còn không có mẹ bên cạnh”, chị Luyến nói.  

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng sữa mẹ (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) đã cung cấp 1.540 lít sữa mẹ đạt tiêu chuẩn cho hơn 2.600 trẻ sơ sinh không được tiếp cận sữa của mẹ ruột, để bé tăng đề kháng và phát triển tốt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong những tháng đầu đời, trẻ được bú mẹ có cơ hội sống cao gấp 6 lần so với những trẻ không được bú mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến sau 24 tháng có thể giảm hơn 800.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tương đương với 13% tổng số tử vong.

Tuy nhiên, không phải mọi bà mẹ đều có thể nuôi con bằng sữa mẹ, bởi một số bà mẹ do mắc bệnh hoặc đang dùng các loại thuốc không phù hợp khi cho con bú. Bên cạnh đó, nhóm trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, trẻ thiếu cân, trẻ sinh non hoặc trẻ bị bệnh nặng có thể không được tiếp cận sữa của mẹ đẻ.

“Trong những trường hợp trẻ sinh ra không có sữa mẹ ruột  thì sữa từ ngân hàng sữa mẹ có uy tín chính là lựa chọn hàng đầu cho trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng và bệnh lý. Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã góp phần thúc đẩy thể trạng tối ưu ở nhóm trẻ có nguy cơ cao khi người mẹ không thể cho con sữa của mình”, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.