Nên tái chế thuốc tamiflu hết hạn

28/03/2011 02:01 GMT+7

Gần 9,7 triệu viên thuốc phòng và điều trị cúm chứa hoạt chất Oseltamivir (hoạt chất thuốc tamiflu) hết hạn sử dụng đang được Bộ Y tế đề xuất tiêu hủy. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, số thuốc này vẫn có thể tái chế phục vụ cho phòng dịch.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Hùng (ảnh), Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thuốc, Viện Hóa sinh biển (Viện Khoa học và Công nghệ VN), Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội xung quanh vụ việc này.

Thưa tiến sĩ, là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển thuốc, ông có thể đánh giá về khả năng tái chế hoạt chất Oselamivir photphat từ thuốc tamiflu đã hết hạn sử dụng hay không?

Tôi được biết qua thông tin đại chúng, Bộ Y tế có đưa ra đề xuất tiêu hủy số thuốc nói trên. Đó là quyết định cần được tôn trọng. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn nên xem xét kỹ khả năng thu hồi hoạt chất Oseltamivir từ thuốc tamiflu đã hết hạn sử dụng, vì đây là việc chúng ta có thể làm được với nhân lực và thiết bị hiện có tại Viện Khoa học và Công nghệ VN.

Hiệu suất thu hồi hoạt chất đạt 50-60%

Dựa trên cơ sở nào tiến sĩ cho rằng chúng ta có thể tái chế số thuốc trên? Nếu thực hiện, hiệu quả đạt được ở mức độ nào?

Thực tế công việc tái chế này đã được chúng tôi thực hiện quy mô phòng thí nghiệm. Đó là thời điểm 2007, Viện Hóa học đã được lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ VN giao nhiệm vụ thực hiện đề tài độc lập “Nghiên cứu công nghệ thu hồi hoạt chất Oseltamivir từ thuốc tamiflu hết hạn để tái sử dụng làm thuốc chữa bệnh cúm gia cầm". Bộ Y tế đã cấp 5.000 viên thuốc tamiflu hết thời hạn sử dụng làm đối tượng nghiên cứu. Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả xuất sắc với sự tham của các chuyên gia Bộ Y tế. Tại thời điểm đó, hiệu suất thu hồi hoạt chất được lên đến 80% (quy mô phòng thí nghiệm). Chất lượng của hoạt chất Oseltamivir photphat đã được Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư (Bộ Y tế) kiểm nghiệm và xác nhận là đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Nếu việc tái chế thực hiện trên quy mô công nghiệp, thì hiệu suất thu hồi hoạt chất trên có thể sẽ thấp hơn, đạt khoảng từ 50 - 60%. Với kết quả đó, trên số thuốc bị tiêu hủy trị giá 280 tỉ đồng thì giá trị từ việc chúng ta thu hồi được qua tái chế cũng được khoảng hơn 160 tỉ đồng.

Mỗi kg hoạt chất Oseltamivir thu được từ tái chế mất khoảng từ 23 đến 25 triệu đồng. Trong khi đó, mua nguyên liệu Oseltamivir mới phải chi đến 18.000 USD (khoảng hơn 360 triệu đồng)/kg
Rõ ràng, việc tái chế mang lại lợi ích “kép”: không mất hết số tiền 280 tỉ (trị giá số thuốc hết hạn); tiết kiệm được kinh phí dành cho việc tiêu hủy số thuốc có giá trị lớn như vậy. Số thuốc tái chế được sẽ trở thành nguồn thuốc dự phòng để phòng, chống dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhà nước sẽ không phải bỏ thêm tiền (ngoại tệ) để mua những lô thuốc mới. Thêm nữa, tái chế thuốc này còn giảm thiểu được việc ô nhiễm môi trường do việc tiêu hủy một lượng thuốc lớn như vậy gây ra.

Nhưng khuyến cáo từ nhà cung cấp nguyên liệu cho rằng không nên tái chế số thuốc hết hạn nói trên vì hiệu suất thu hồi hoạt chất Oseltamivir photphat không cao?

Tôi cho rằng cần phải có cơ sở xác đáng khi đưa ra nhận định: Hiệu suất thu hồi hoạt chất khi tái chế ở mức thấp (đạt 30% theo như nhà cung cấp thuốc tamiflu khuyến cáo). Số liệu đó được căn cứ trên cơ sở nào trong khi thực tế chúng ta thu hồi hoạt chất đạt hiệu suất  80% ở quy mô phòng thí nghiệm?

Việc căn cứ vào thông tin từ nhà cung cấp thuốc tamiflu là tái chế chỉ đạt hiệu suất thấp cũng cần cân nhắc, cần được kiểm tra thêm vì tất nhiên khi chúng ta tái chế thuốc hết hạn sẽ làm họ mất cơ hội bán những lô thuốc mới - nghĩa là mất đi khách hàng đem lại cho họ nguồn lợi nhuận. Bởi vậy, nhà cung cấp thuốc tamiflu không khuyến khích việc tái chế này cũng là lẽ dễ hiểu.

Tái chế đem lại lợi ích kép

Xin tiến sĩ có thể cho biết thông tin cơ bản về quy trình tái chế?

Tái chế thuốc chứa Oseltamivir hết hạn sử dụng là tiến hành loại bỏ tạp chất của thuốc hết hạn,  tinh chế hoạt chất Oseltamivir đạt độ tinh khiết theo tiêu chuẩn thuốc của VN.

Việc tái chế thuốc có hoạt chất Oseltamvir từ thuốc tamiflu hết hạn sử dụng chắc chắn sẽ ít khó khăn hơn so với việc tổng hợp hoạt chất Oseltamivir từ a-xít shikimic (theo quy trình thông thường, sẽ phải phân lập a-xít shikimic từ hoa hồi. Sau đó, hoạt chất Oseltamivir photphat mới được tổng hợp từ a-xít shikimic qua 14 bước rất phức tạp). Một nhà khoa học lớn của VN sau khi nghe tôi nói về bản chất của việc tái chế hoạt chất Oseltamivir photphat, ông đã khái quát như sau: chúng ta có thể so sánh việc thu hồi hoạt chất Oseltamivir từ thuốc tamiflu hết hạn sử dụng tương tự như việc chúng ta luyện sắt thành phẩm từ sắt phế thải, thay vì phải luyện sắt thành phẩm từ nguyên liệu quặng. Rõ ràng, sắt thành phẩm được tái chế  từ sắt phế thải chắc chắn sẽ ít tốn công sức hơn nếu sắt đó được luyện từ quặng.

Vì lợi ích kinh tế quốc gia, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước cho phép các nhà khoa học được thực hiện nhiệm vụ trên. Đây là cơ hội cho các nhà khoa học khẳng định vai trò của mình khi có một vấn đề khoa học công nghệ cần được giải quyết. Việc tái chế này sẽ rẻ hơn hàng chục lần so với mua những lô thuốc mới.

Theo ước tính của chúng tôi, mỗi kg hoạt chất Oseltamivir thu được từ tái chế mất khoảng từ 23 đến 25 triệu đồng. Trong khi đó, mua nguyên liệu Oseltamivir mới phải chi đến 18.000 USD (khoảng hơn 360 triệu đồng)/kg. 

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.