Mối nguy 'rình rập' trẻ dịp hè

Duy Tính
Duy Tính
15/06/2019 08:25 GMT+7

Với sự hiếu động của lứa tuổi, giai đoạn được nghỉ hè ở nhà cũng chính là thời điểm trẻ dễ bị tai nạn nhất.

Trưa 4.6, bé Thảo (11 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nằm ở Khoa Bỏng - chỉnh trực (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) chân phải băng kín, được người thân đút cho từng muỗng cháo. Hôm 30.5, vừa được nghỉ hè, bé xin ba mẹ cho về nhà nội ở H.Hóc Môn chơi.
Trong lúc chơi trốn tìm trên gác, bé nhảy qua tấm trần la phông nhưng bị rớt xuống đất và chân bị gãy ở đùi, cẳng chân, mặt bị rách một đường dài. Ở phòng bệnh bên cạnh, bé Vĩnh Khang (6 tuổi) vừa bế giảng năm học được ba chở đi chơi thì bị tai nạn giao thông gãy chân, đang nằm kêu la.
Ngoài hành lang, chị Nguyễn Thị Hạnh đẩy đứa con 14 tháng tuổi trên xe lăn đi dạo mát, khuôn mặt cháu đầy vết tích. “Bé với tay lấy bình nước sôi để trên bàn và bị đổ bỏng hết mặt”, chị Hạnh cho biết.
Biện pháp phòng ngừa chung nhất là luôn có người trông giữ khi trẻ ở nhà hay đi chơi. Khi thiết kế, trang trí nhà cửa, cần lưu ý yếu tố an toàn, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM)
Bác sĩ (BS) Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, BV Nhi đồng 2, cho biết tai nạn mùa hè thường rơi vào trẻ ở TP khi về quê chơi, do chưa quen môi trường, ít… kinh nghiệm nên dễ gặp sự cố như trèo cây bị té, ngạt nước khi tắm ao hồ, chọc phá ong bị chích…
Trong khi đó, trẻ ở nhà hiếu động, hay táy máy thường gặp các tai nạn như té ngã, bị bàn ghế, tủ, ti vi đè, bỏng nước sôi, bỏng lửa, điện giật, uống nhầm hóa chất…
Ngoài ra, theo BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, trẻ cũng thường mắc phải một số bệnh trong mùa hè như viêm phế quản cấp, viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản cấp, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, viêm hô hấp cấp, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm ruột, viêm amidan cấp, suyễn, nhiễm siêu vi...
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi đồng TP, cho biết trẻ em từ 1 - 5 tuổi thường gặp các bệnh vào mùa hè.
Do vậy, biện pháp phòng ngừa chung nhất là luôn có người trông giữ khi trẻ ở nhà hay đi chơi. Cũng theo BS Tiến, khi thiết kế, trang trí nhà cửa, cần lưu ý yếu tố an toàn, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ.
Theo thống kê của BV Nhi đồng, các tháng hè năm 2017, BV tiếp nhận đến 916 ca tai nạn chấn thương, cùng kỳ năm 2018 có 806 ca. Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 1, 3 tháng hè 2017 tiếp nhận 8.996 ca tai nạn thương tích các loại và cùng kỳ năm 2018 là 8.383 ca; trong đó chấn thương chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là nuốt dị vật, bỏng do điện giật, tai nạn giao thông, côn trùng cắn, đuối nước… Thống kê của BV Nhi đồng 1 cho thấy 3 tháng 6, 7, 8 năm 2017 có 218.600 lượt trẻ em đến BV khám, chữa bệnh; năm 2018 tăng lên 231.000 lượt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.